1. Tổng quan chuyên ngành Công nghệ thực phẩm
Bạn đã nghe đến chuyên ngành này khá lâu, nhưng thực sự chưa biết thông tin gì về Công nghệ thực phẩm. Trước khi bóc tách cơ hội việc làm của ngành, hãy cùng hiểu bản chất thực sự bên trong nó nhé!
1.1. Khái niệm về Công nghệ thực phẩm
Công nghệ thực phẩm hay có tên gọi quốc tế là Food Technology đề cập đến lĩnh vực học thuật cung cấp các hoạt động về chế biến, bảo quản, sản xuất, đánh giá và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm thực phẩm cuối cùng trước khi chúng được tung ra thị trường một cách chính thức. Bên cạnh đó, Công nghệ thực phẩm còn có nhiệm vụ nghiên cứu, tìm kiếm và phát triển các phương thức vận hành sản xuất theo dây chuyền công nghệ mới, các sản phẩm thực phẩm mới, các thiết bị và giải pháp bảo quản mới, nguyên liệu mới trong ngành công nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm, hóa học, dược phẩm,...
Có thể nói, thông qua cách hiểu này, ai ai cũng nhận ra hoạt động của ngành Công nghệ thực phẩm là vô cùng gần gũi với cuộc sống mỗi người.
1.2. Sinh viên Công nghệ thực phẩm được học những gì?
Do tính chất gần gũi và quan trọng của ngành, Công nghệ thực phẩm từ lâu đã trở thành một ngành học được thiết kế và phát triển trong hệ thống giáo dục của nước ta. Theo đó, khi tham gia vào ngành học này, sinh viên sẽ được trang bị hệ thống nền tảng và cơ sở về kiến thức, từ cơ bản đến nâng cao những khía cạnh như vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa - sinh, quy trình sản xuất và chế biến, nguyên liệu, phương pháp đánh giá và đảm bảo chất lượng đầu ra cho sản phẩm,...
Ngoài ra, ngành học có cung cấp cho sinh viên những kiến thức liên quan đến công tác nghiên cứu cách xây dựng thiết kế, lắp đặt, sửa chữa và vận hành toàn bộ dây chuyền và quy trình sản xuất. Kỹ năng quản lý và giám sát sản xuất ở nhiều mảng, từ kỹ thuật công nghệ cho đến chất lượng thành phẩm. Cuối cùng là tiếp cận được những kiến thức để có thể kinh doanh ở lĩnh vực này.
Vì là ngành tác động trực tiếp đến thực tiễn, cho nên không chỉ được tiếp cận về lý thuyết. Sinh viên Công nghệ thực phẩm rất được quan tâm và được nhà trường tạo điều kiện ở công tác thực hành. Hầu hết, các sinh viên đều được thực hành và nghiên cứu trong các phòng LAB, được tiếp cận với các phương pháp phân tích mẫu, đánh giá các mẫu thực phẩm, quan sát và rút ra đặc điểm về độ an toàn của thực phẩm. Được học hỏi và thử sức với các quy trình công nghệ sản xuất, chế biến cũng như bảo quản hệ thống thực phẩm.
Đọc thêm: Con gái có nên học công nghệ thực phẩm
1.3. Chương trình đào tạo Công nghệ thực phẩm
Trước khi quyết định đăng ký vào một ngành học ở một cơ sở giáo dục nhất định. Các sĩ tử nên lưu ý đến chương trình đào tạo chi tiết của ngành học đó, ở tại trường học đó. Điều này sẽ giúp bạn định hình rõ nét hơn những nội dung kiến thức sẽ được tiếp cận trong quá trình theo học. Mỗi chương trình đào tạo sẽ được thiết kế khác nhau, tùy thuộc vào việc bạn chọn cơ sở giáo dục nào. Thử tham khảo chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Cần Thơ nhé:
- Kiến thức đại cương: Triết học - Mác Lênin, Đường lối Đảng cộng sản, Tư tưởng HCM, Pháp luật đại cương, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Văn bản và lưu trữ học đại cương, Kỹ năng mềm, Cơ và nhiệt đại cương, Hóa học đại cương, Hóa phân tích đại cương, TT. Hóa phân tích đại cương, TT. Hóa học đại cương, TT. Cơ và nhiệt đại cương, Toán cao cấp A, Xã hội học đại cương, Tiếng Việt thực hành, Logic học đại cương.
- Kiến thức cơ sở ngành: Sinh hóa B, Vi sinh đại cương - CNTP, Kỹ thuật điện – CNTP, Truyền nhiệt trong chế biến thực phẩm, Tổng kê vật chất và năng lượng, TT. Kỹ thuật thực phẩm (nhà máy), Nhiệt kỹ thuật, Đồ án Kỹ thuật thực phẩm, Máy chế biến thực phẩm, Anh văn chuyên môn CNTP, Dụng cụ đo trong công nghiệp thực phẩm, Nước cấp, nước thải kỹ nghệ, Vật lý học thực phẩm, Bao bì thực phẩm, Phụ gia trong chế biến thực phẩm, Tin học ứng dụng – CNTP, An toàn và ô nhiễm trong sản xuất thực phẩm, Pháp văn chuyên môn KH&CN, Kỹ thuật các quá trình sinh học trong chế biến t.phẩm, Phương pháp nghiên cứu khoa học - CNTP, Hình họa và Vẽ kỹ thuật - CNTP, Thống kê phép thí nghiệm - CNTP, TT. Kỹ thuật thực phẩm (PTN), Truyền khối trong chế biến thực phẩm, Cơ học lưu chất và vật liệu rời, Hóa lý – CNTP, TT. Sinh hóa.
- Kiến thức chuyên ngành: Hóa học thực phẩm, Nguyên lý bảo quản và chế biến thực phẩm, Thực tập Đánh giá chất lượng thực phẩm, Kỹ thuật chế biến nhiệt thực phẩm, Kỹ thuật sau thu hoạch rau quả và ngũ cốc, Thực tập kỹ thuật cơ sở công nghệ thực phẩm, Quản lý chất lượng và luật thực phẩm, TT. Công nghệ thực phẩm (PTN), Công nghệ thực phẩm truyền thống, Công nghệ chế biến thịt và gia cầm, Công nghệ chế biến gạo và sản phẩm từ gạo, Công nghệ chế biến chè, cà phê, ca cao, Thực phẩm chức năng, Phát triển sản phẩm mới, Đạo đức kỹ sư công nghệ thực phẩm, Công nghệ chế biến dầu - mỡ thực phẩm, Công nghệ chế biến thủy và hải sản, Công nghệ chế biến sữa và sản phẩm sữa, Công nghệ chế biến đường - Bánh kẹo, TT. Công nghệ thực phẩm (nhà máy), Dinh dưỡng người, Kỹ thuật lên men thực phẩm, Kỹ thuật lạnh thực phẩm, Quản trị chất lượng sản phẩm, Đánh giá chất lượng thực phẩm, Vi sinh thực phẩm, Chuỗi giá trị thực phẩm, Môi trường - An ninh lương thực và an toàn thực phẩm, Kỹ thuật chuyên ngành, Truy xuất nguồn gốc, Quản lý và tận dụng phụ phẩm trong sản xuất thực phẩm,...
2. Công nghệ thực phẩm - Ngành học có cơ hội nghề nghiệp rộng mở hay không?
2.1. Cơ hội nghề nghiệp của ngành hiện nay
Nhu cầu về thực phẩm của con người đang không những cho thấy về sự gia tăng, mà còn cho thấy mức độ phức tạp. Đặc biệt, khi cuộc sống được nâng cao về chất lượng, xã hội chúng ta ngày nay chú trọng về tiêu chuẩn thực phẩm sạch, thực phẩm nội địa hoặc rõ nguồn gốc xuất xứ,...
Bên cạnh những lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm thành các sản phẩm giải khát, tinh bột hay sữa,... thì còn rất nhiều lĩnh vực khác cũng đang yêu cầu sự có mặt của hoạt động ngành Công nghệ thực phẩm. Có thể nói với một quốc gia có thế mạnh chủ lực về thực phẩm như Việt Nam, chuyên ngành này sẽ được định hướng trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của quốc gia. Điều này yêu cầu ở một số lượng khổng lồ và chất lượng đồng đều về nhân lực.
Mặc dù vậy, khi nói đến sự phát triển của ngành Công nghệ thực phẩm ở nước ta, vẫn chưa có dấu hiệu về sự bứt phá. Lý do chính xuất phát từ nguồn nhân lực chưa đáp ứng cao về chất lượng, máy móc và công nghệ đang đi sau thời đại,... Do đó, học Công nghệ thực phẩm, các bạn trẻ sẽ có cơ hội được tham gia vào một thị trường việc làm đầy cạnh tranh và nhộn nhịp đấy nhé!
2.2. Điểm danh TOP nghề dành cho những ai học Công nghệ thực phẩm
Sau khi ra trường với tấm bằng Công nghệ thực phẩm, các bạn hoàn toàn đủ năng lực để tham gia và chinh phục nhiều vị trí việc làm mình mong muốn. Đặc biệt, các địa điểm có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao, không đâu khác là những doanh nghiệp, công ty, cơ sở kinh doanh và sản xuất thực phẩm như nước giải khát, sữa, thực phẩm đóng hộp, thực phẩm xuất khẩu,...
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể làm việc ở các cơ quan, đơn vị chức năng của Nhà nước có nhiệm vụ kiểm tra chất lượng vệ sinh thực phẩm, an toàn thực phẩm.... Hay cũng có thể thử sức ở các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cung ứng hàng hóa ra nước ngoài,...
Mặt khác, với chuyên môn được giảng dạy trong quá trình học tập, sinh viên Công nghệ thực phẩm còn có thể làm việc dưới các chức danh như chuyên viên tư vấn dinh dưỡng, kỹ thuật viên làm việc ở các phòng ban về kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm,... Chi tiết hơn, bạn có thể tham khảo các lựa chọn sau:
- Chuyên viên QA kiểm soát chất lượng đâu ra
- Chuyên viên QC kiểm soát nguyên liệu đầu vào
- Nhân viên R&D (nghiên cứu và phát triển) cho sản phẩm
- Kỹ sư sản xuất/ Kỹ sư CNTP/ Nhân viên bếp
- Chuyên gia tư vấn thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm chức năng,..
- Kỹ thuật viên phòng LAB
- Việc làm nhân viên vận hành máy hoặc thu mua/sản xuất/...
- Trình dược viên ở các công ty phân phối và bào chế dược phẩm.
- Giảng viên dạy các môn về Hóa - Sinh hay CNTP,...
3. Thông tin tuyển sinh ngành Công nghệ thực phẩm
Nếu dự định của bạn về ngành học chính là Công nghệ thực phẩm, những thông tin sau đây không nên bỏ qua đâu nhé!
3.1. Cơ sở giáo dục đào tạo ngành
Hiện nay, có khá nhiều cơ sở giáo dục tham gia giảng dạy ngành học này. Trong đó phải kể đến:
- Khu vực miền Bắc: ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ĐH Nông lâm Thái Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định, ĐH Sao Đỏ, ĐH Khoa học Công nghệ Hà Nội.
- Khu vực miền Trung: ĐH Nông lâm Huế, ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
- Khu vực miền Nam: ĐH Cần Thơ, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, ĐH Quốc tế, ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Nông lâm TPHCM, ĐH Hoa Sen, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, ĐH Công nghiệp thực phẩm TP HCM, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Công nghệ TP HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Lạc Hồng,...
3.2. Ngành xét tuyển tổ hợp môn nào?
- Tổ hợp môn A00: Hóa - Toán - Lý
- Tổ hợp môn A01: Anh - Lý - Toán
- Tổ hợp môn A02: Sinh - Toán - Lý
- Tổ hợp môn B00: Toán - Sinh - Hóa
- Tổ hợp môn B08: Toán - Anh - Sinh
- Tổ hợp môn C01: Văn - Lý - Toán
- Tổ hợp môn C02: Văn - Hóa - Toán
- Tổ hợp môn C04: Văn - Toán - Địa
- Tổ hợp môn C08: Văn - Sinh - Hóa
- Tổ hợp môn D01: Văn - Anh - Toán
- Tổ hợp môn D07: Toán - Anh - Hóa
- Tổ hợp môn D08: Toán - Anh - Sinh
- Tổ hợp môn D90: KHTN - Toán - Anh
Trên đây là tổng hợp thông tin của vieclam88.vn về chuyên ngành Công nghệ thực phẩm. Bạn đọc có thể để lại bình luận để được giải đáp kịp thời về ngành học này nhé!
Tham gia bình luận ngay!