Công nghệ thực phẩm hiện đang là một trong những khối ngành có lượng sinh viên theo học vượt trội và áp đảo. Cùng khám phá những công việc thuộc chuyên ngành này qua bài viết sau của vieclam88.vn nhé.
1. Giới thiệu chung về ngành công nghệ thực phẩm
1.1. Ngành công nghiệp thực phẩm trong thời đại mới
Xã hội ngày một phát triển, chất lượng cuộc sống con người ngày một nâng cao không chỉ về mặt hình thức mà còn ở những khía cạnh nhỏ nhặt như từ cái ăn, cái mặc mỗi ngày. Đặc biệt trong điều kiện hiện nay khi các chuyên gia thường xuyên cảnh báo về các vấn đề ô nhiễm môi trường dẫn đến ô nhiễm nguồn lương thực thực phẩm, các trường hợp doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt cố tình đưa ra thị trường nguồn thực phẩm kém chất lượng đã gây bức xúc trong dư luận.

Chính từ những lý do trên, ngành công nghiệp thực phẩm đang ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, lối sống xanh, ăn khỏe đang được du nhập từ phương Tây và nhận được sự hưởng ứng từ nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là bộ phận trí thức trẻ có nhận thức và quan tâm đến chất lượng cuộc sống.
1.2. Tổng quan về ngành công nghệ thực phẩm
Ngành công nghệ thực phẩm còn được biết với tên tiếng Anh Food Technology. Đây là ngành đào tạo chuyên biệt và gắn liền với công việc chế biến, bảo quản các nguồn thực phẩm hữu cơ, từ thiên nhiên như nông sản.

Như đã đề cập trong phần đầu bài viết, ngành công nghệ thực phẩm hiện đang dần nhận được sự quan tâm của xã hội và được dự đoán sẽ là ngành đào tạo đem lại nguồn nhân lực cực tiềm năng ở nước ta. Có thể khẳng định, Việt Nam là một trong những đất nước có nguồn nông sản dồi dào cũng như nền nông nghiệp ngày một phát triển và có những bước tiến, đột phá lớn. Chính vì vậy, công nghệ thực phẩm sẽ giúp nguồn nông sản trong nước được đảm bảo về chất lượng từ đó không chỉ phục vụ các hoạt động xuất khẩu sang các thị trường nước bạn mà còn giúp chính những người tiêu dùng Việt Nam có nguồn thực phẩm sạch, an toàn và đảm bảo sức khỏe.
Cụ thể hơn, những người làm công tác nghiên cứu công nghệ thực phẩm sẽ đảm bảo chất lượng của nguồn lương thực, đưa ra các báo cáo, phân tích để tối ưu hóa các chất dinh dưỡng để cộng đồng có lối sống tốt hơn, bảo đảm sức khỏe hơn. Đội ngũ lao động thuộc nhóm ngành công nghệ thực phẩm không chỉ cần có kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về nông nghiệp mà còn phải được đào tạo các kỹ năng, kiến thức chuyên môn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chế biến thực phẩm, ứng dụng hóa học, sinh học vào các hoạt động đánh giá, phân tích chất lượng thực phẩm.
1.3. Nhận định về tiềm năng công việc của ngành công nghệ thực phẩm
Có thể khẳng định, song hành với các khối ngành về công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật, công nghệ thực phẩm hiện đang là một trong những ngành được đánh giá cao trên thị trường tuyển dụng.

Lối sống organic, eatclean hiện không còn quá xa lạ với những ai quan tâm đến sức khỏe, muốn chuẩn bị cho gia đình và bản thân những nguồn dinh dưỡng sạch nhất. Với công tác nghiên cứu của mình, những kỹ sư công nghệ thực phẩm sẽ đưa ra những kiến nghị, đề xuất để từ đó hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm tại các nhà máy, trang trại được khoa học, hiệu quả. Các dây chuyền sản xuất sẽ đem lại chất lượng cao, vận hành tối ưu và năng suất. Không chỉ giúp các doanh nghiệp, nông dân có quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn mà còn hỗ trợ về cả mảng kinh doanh đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
2. Những công việc thuộc khối ngành công nghệ thực phẩm
Công nghệ thực phẩm là một ngành đem lại cảm giác khô khan, thường gắn liền với những phòng nghiên cứu, thí nghiệm. Tuy nhiên những công việc trong ngành được đánh giá là khá phong phú. Tùy theo nhu cầu của người sinh viên, năng lực cá nhân của họ trong quá trình học tập trên giảng đường đại học mà sinh viên có thể lựa chọn công việc phù hợp với bản thân.

Với những bạn yêu thích công việc nghiên cứu, các bạn có thể tham khảo những công việc tại các doanh nghiệp, viện nghiên cứu về sản xuất - chế biến thực phẩm. Thông thường ở các doanh nghiệp, tổ chức này các bạn có thể đảm nhận những công việc như kỹ sư kiểm định, kỹ sư quản lý dây chuyền,... Ngoài ra, với những bạn đã có kiến thức ổn định không chỉ trên trường lớp mà còn có thời gian tu nghiệp, bổ túc kiến thức hoặc có kinh nghiệm, thâm niên trong nghề các bạn có thể làm chuyên gia tư vấn dinh dưỡng cho các cá nhân, người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên,... Không chỉ vậy, tại các trung tâm y tế, trung tâm dinh dưỡng cộng đồng cũng cần nguồn nhân lực để giúp đỡ người dân có nhu cầu thăm khám, cải thiện sức khỏe.
3. Những yêu cầu trong ngành công nghệ thực phẩm
3.1. Yêu cầu về kiến thức chuyên môn trong ngành công nghệ thực phẩm
Trái ngược với một số ngành về công nghệ khác, công nghệ thực phẩm là một ngành yêu cầu khá gắt gao về kiến thức chuyên môn.

Rất nhiều ngành trong khối ngành công nghệ có thể bồi đắp kiến thức trong quá trình làm việc về sau, tuy nhiên ngành công nghệ thực phẩm yêu cầu đội ngũ lao động phải có những kiến thức nền tảng vững chắc về sinh học, hóa học, dinh dưỡng. Ngoài ra, tại một số viện nghiên cứu, lao động cũng cần có các chứng chỉ liên quan đến thực phẩm bên cạnh bằng đại học như chứng chỉ về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm,... Tuy nhiên, một số bạn cũng chọn các hướng đi thiên về mặt công nghệ thay vì mảng thực phẩm. Những bạn này sẽ học kỹ hơn về các dây chuyền sản xuất thực phẩm để đưa ra các đánh giá, hỗ trợ cải tạo và lắp đặt các dây chuyền sản xuất và đảm nhiệm vị trí kỹ thuật viên tại các phân xưởng, nhà máy sản xuất thực phẩm.
3.2. Yêu cầu về kỹ năng làm việc trong ngành công nghệ thực phẩm
Trong thời đại mới, bất kỳ ngành nghề nào cũng có những yêu cầu nhất định về kỹ năng công nghệ thông tin. Đặc biệt đối với những ngành như công nghệ thực phẩm kỹ năng này lại càng được chú trọng và không thể thiếu.

Cùng với đó, những ai muốn làm việc trong ngành công nghệ thực phẩm cũng cần có kiến thức về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Với sự cập nhật và đổi mới không ngừng từ ngành công nghệ thực phẩm tại các nước phát triển trên thế giới, các tài liệu tiếng Việt sẽ không đầy đủ và thiếu tính thời đại. Chính vì vậy để luôn nắm bắt được những kiến thức thực tiễn các bạn sẽ cần tìm hiểu thêm trong các tài liệu tiếng Anh.
Trong công việc, các bạn sẽ cần có những kỹ năng mềm như quan sát, phân tích. Để làm một công việc thường xuyên dành thời gian trong phòng thí nghiệm và đặt nặng về các hành vi nghiên cứu, bản thân các bạn phải có niềm đam mê với lĩnh vực thực phẩm và công nghệ. Bên cạnh việc nghiên cứu các hoạt động liên quan đến sản xuất - chế biến thực phẩm, các bạn cũng sẽ tìm hiểu về các hành vi mua, thói quen mua thực phẩm của người tiêu dùng và đưa ra các nhận định, báo cáo, thống kê phục vụ cho những mục đích nghiên cứu khoa học.
Ngành công nghệ thực phẩm hiện đang mở ra rất nhiều cơ hội cho những bạn yêu công nghệ, yêu công việc dinh dưỡng chế biến thực phẩm. Để biết rõ hơn về mô tả công việc và nội dung công việc tại từng doanh nghiệp, hãy ghé thăm website vieclam88.vn để cập nhật mỗi ngày nhé. Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể tìm hiểu thêm các đặc thù công việc của những ngành khác thông qua trang blog của chúng tôi. Chúc các bạn tìm được công việc và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống.