Phân tích vai trò của nhà quản trị trong hoạt động doanh nghiệp

Icon Author Bùi Thị Minh Tiến

Ngày đăng: 2021-06-16 14:35:30

Khi nhắc tới nhà quản trị người ta thường sẽ chỉ nghĩ tới những mức lương cao ngất ngưởng, những chuyến công tác kết hợp du lịch sang trọng hoặc là lượng công việc áp lực. Nhưng có ai đã từng suy nghĩ về vai trò của nhà quản trị trong doanh nghiệp? Công việc của họ mang những ý nghĩa gì đối với hoạt động của toàn bộ công ty? Vì sao đây lại là vị trí quan trọng quyết định thành – bại trong kinh doanh?

1. Nhà quản trị là gì trong doanh nghiệp?

Trước khi đi tìm hiểu về các chức năng, vai trò chính của nhà quản trị, hãy định nghĩa một cách chính xác khái niệm nhà quản trị trong doanh nghiệp trước tiên. Nhà quản trị hay còn được gọi với một tên gọi khác là quản trị viên, chỉ những người làm việc trong một doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, công việc của họ không hướng về một chuyên môn ngành nghề nào nhất định, mà đảm nhận nhiệm vụ quản lý, điều phối tất cả các hoạt động chung trong phạm vi cho phép của toàn bộ công ty, hoặc một bộ phận tùy theo cấp bậc của nhà quản trị đó.

Bên dưới mỗi nhà quản trị, sẽ có một lượng nhân viên nhất định do nhà quản trị đó nắm quyền quản lý. Công việc của nhà quản trị sẽ là phụ trách quản lý các công việc của cấp dưới, lên kế hoạch làm việc, giám sát, kiểm tra chất lượng, đảm bảo nhân viên dưới quyền hoàn thành đúng và đủ chỉ tiêu công việc. Vì vậy, nhà quản trị cũng sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới nếu có bất kỳ sai sót nào từ phía nhân viên của mình.

Nhà quản trị có vai trò quan trọng trong quan hệ với con người trong doanh nghiệp
Nhà quản trị có vai trò quan trọng trong quan hệ với con người trong doanh nghiệp

Có nhiều cấp bậc quản trị từ thấp đến cao, nhưng cơ bản được chia làm 3 tầng cơ bản: quản trị cơ sở, quản trị trung cấp và quản trị cao cấp. Quản trị cơ sở là những vị trí quản trị nhân viên cấp bậc thấp nhất trong doanh nghiệp ví dụ như tổ trưởng tổ sản xuất phụ trách quản lý các công nhân trong nhà máy. Nhà quản trị trung cấp sẽ phụ trách những nhân viên quản trị sơ cấp và các nhân viên làm việc ở vị trí, chức vụ ngang bằng và chịu trách nhiệm công việc trước nhà quản trị cao nhất. Nhà quản trị cao cấp là người đứng đầu, quản lý toàn bộ các hoạt động diễn ra trong doanh nghiệp và đưa ra những định hướng, quyết định quan trọng nhất.

Trong một số trường hợp, người quản trị doanh nghiệp có thể cũng chỉ là một “nhân viên” làm việc trong doanh nghiệp và nhận lương hằng tháng. Tuy nhiên, đây là một vị trí công việc yêu cầu cực kỳ cao về tất cả các kiến thức trong doanh nghiệp từ tài chính, nhân sự đến chiến lược tầm nhìn, am hiểu về văn hóa công ty, cách thức quản lý,... và thực hành điều khiển mọi hoạt động và có quyền quyết định những vấn đề hệ trọng trong hoạt động kinh doanh.

2. Những vai trò nhà quản trị đảm nhận

Nhà quản trị được xem là những người quyết định thành công, thất bại của một doanh nghiệp, từ đó, ta đã thấy được phần nào vai trò quan trọng của họ trong quá trình vận hành và phát triển của công ty. Theo lý thuyết lãnh đạo của nhà nghiên cứu Henry Mintzberg vào năm 1960, một nhà quản trị đảm nhận 3 nhóm vai trò chính trong tổ chức: vai trò nhân sự, vai trò thông tin và vai trò quyết định.

Nhà quản trị đảm nhiệm 3 nhóm vai trò chính
Nhà quản trị đảm nhiệm 3 nhóm vai trò chính

2.1. Vai trò nhân sự của nhà quản trị

Đầu tiên, nhà quản trị là người gắn với trách nhiệm quả lý con người. Đây là một nhiệm vụ khi người đứng đầu phải biết cách điều chỉnh, quản lý những nhân viên trong đội, nhóm hàng ngũ công ty mình để tối ưu hiệu quả làm việc, đưa công ty đến những bước phát triển hơn. Trong đó, họ đảm nhận những nhiệm vụ:

- Vai trò đại diện: nhà quản trị sẽ là người quản lý tất cả các nhân viên dưới quyền của mình, đồng thời, họ cũng là người đại diện cho tập thể đó trong hầu hết các quá trình cần thay mặt tham dự, ví dụ như trong các cuộc họp, quản lý sẽ là người chịu trách nhiệm báo cáo công việc, chịu trách nhiệm trước các vấn đề, sự cố, thay mặt nhận thưởng hoặc thay mặt đề xuất ý kiến.

Nhà quản trị có vai trò quan trọng trong quan hệ với con người trong doanh nghiệp
Nhà quản trị có vai trò quan trọng trong quan hệ với con người trong doanh nghiệp

- Vai trò lãnh đạo: người quản trị luôn là người đi đầu, tiên phong lãnh đạo, chỉ đạo các nhân viên của mình, đốc thúc công việc và quản lý công việc của họ. Nhà quản trị sử dụng những kỹ năng vượt trội của mình để dẫn dắt toàn bộ tập thể phát triển tiến bộ hơn.

- Vai trò liên lạc: người đứng đầu một tổ chức bao gồm nhiều thành viên còn có vai trò rất quan trọng trong việc gắn kết các thành viên trong đội nhóm của mình cũng như liên lạc giữa tổ chức của mình với những tập thể khác hoặc một nhà quản trị cấp cao hơn.

2.2. Vai trò thông tin

Vai trò thông tin của nhà quản lý xuất phát từ mạng lưới quan hệ nhân sự mở rộng của họ đa dạng, phong phú hơn những nhân viên bình thường trong doanh nghiệp. Họ có thể tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin hơn và có khả năng phổ biến rộng hơn trong môi trường công việc.

- Vai trò thu thập và tiếp nhận thông tin: vì nhà quản trị là đại diện cho một tập thể đội ngũ nhân viên của mình và họ sở hữu nhiều mối quan hệ giữa các cấp bậc cao thấp khác nhau trong doanh nghiệp, vì vậy, khi có bất kỳ thông tin gì được truyền đạt ra ngoài, người quản lý sẽ là người nắm bắt và tiếp nhận đầu tiên.

Người tiếp nhận và đồng thời cũng truyền tải thông tin
Người tiếp nhận và đồng thời cũng truyền tải thông tin

- Vai trò phổ biến thông tin: sau khi đã thu thập, xác minh những thông tin vừa tiếp nhận, người quản trị sẽ sử dụng chức năng quyền hành của mình để thông báo với toàn bộ nhân viên thuộc phạm vi quản lý.

- Vai trò cung cấp thông tin: không chỉ tiếp nhận thông tin từ bên ngoài vào nhóm, đội của mình, nhà quản trị còn thực hiện vai trò là người đưa những thông tin cần thiết về tổ chức của mình ra ngoài. Ví dụ như tổ trưởng sản xuất đưa ra đề xuất cải thiện quy trình làm việc lên trưởng ban quản lý sản xuất.

2.3. Vai trò quyết định

Một nét đặc trưng cuối cùng làm nên chất của một nhà quản trị đó là quyền được đưa ra quyết định. Họ là những người có đủ các điều kiện và quyền lực để đưa ra những quyết sách, hành động mà từ đó, các nhân viên dưới quyền phải tuân thủ, làm theo.

- Vai trò doanh nhân: đây là vai trò mà trong đó người quản lý có quyền đưa ra những thay đổi về cách thức hoạt động của doanh nghiệp, những máy móc, kỹ thuật được áp dụng vào quy trình hoạt động của doanh nghiệp để cải tiến và nâng cao hiệu suất làm việc.

Nhà quản trị được quyền đưa ra quyết định
Nhà quản trị được quyền đưa ra quyết định

- Vai trò giải quyết vấn đề: trong quá trình hoạt động, không có doanh nghiệp nào có thể tránh khỏi những biến cố, vấn đề bất ngờ xảy ra. Khi đó, nhà quản trị đóng vai trò là người tìm ra giải pháp cho những sự cố ấy để đảm bảo sự ổn định quay trở lại với hoạt động vận hành của công ty.

- Người phân chia tài nguyên: nhà quản trị trong doanh nghiệp sẽ nắm trong tay rất nhiều tài nguyên công việc, họ có vai trò phân chia những tài nguyên ấy sao cho hợp lý và hiệu quả để cuối cùng nhận lại kết quả công việc tốt nhất.

- Vai trò đàm phán: để mang lại những nguồn tài nguyên có lợi cho doanh nghiệp, người làm quản lý sẽ có nhiệm vụ đàm phán với các đối tác, các bên liên quan đến công việc để đạt đến những thỏa thuận hợp lý nhất.

Đàm phán để mang lại những quyết định có lợi cho doanh nghiệp
Đàm phán để mang lại những quyết định có lợi cho doanh nghiệp

Nhìn chung, để hoàn thành vai trò của nhà quản trị trong doanh nghiệp là một chuyện không hề dễ dàng, đòi hỏi rất nhiều kiến thức và kỹ năng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Mong rằng những chia sẻ trong bài viết trên đây đã cho các bạn một cái nhìn tổng quan hơn về nhà quản trị và trách nhiệm nặng nề của vị trí công việc này.

Tham gia bình luận ngay!

captcha
Chưa có bình luận nào

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ Đỗ Xuân Mạnh: