1. Những điều cơ bản về thiếu tự tin vào bản thân
1.1. Khái niệm về sự thiếu tự tin vào bản thân là gì?
Thiếu tự tin hay tự ti là thiếu sự tin tưởng vào chính mình và nghi ngờ khả năng của bản thân. Họ thường cảm thấy bản thân mình kém cỏi, không được yêu thương hoặc không có đủ năng lực để làm việc gì đó. Những người thiếu tự tin thường mang cho mình nỗi sợ việc mắc lỗi hoặc làm người khác thất vọng.
Theo các nhà tâm lý học Morris Rosenberg và Timothy J. Owens, những người thiếu sự tự tin thường có lòng tự trọng thấp và xu hướng dễ nhạy cảm. Họ có cảm giác mong manh về bản thân và dễ bị tổn thương bởi người khác.
1.2. Nguyên nhân của việc thiếu tự tin vào bản thân
1.2.1. Môi trường xung quanh và quá trình nuôi dưỡng
Sự thiếu tự tin vào bản thân được hình thành chủ yếu trong những năm phát triển của bạn, từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Đây là giai đoạn phát triển quan trọng trong cuộc đời của bạn khi hình thành được bản sắc, cá tính riêng. Từ đó, định hình tư duy, sự nhận thức và thấu hiểu các vấn đề trong cuộc sống cũng như cách mà bạn hòa nhập vào một thế giới rộng lớn hơn.
Những trải nghiệm mà bạn có được thời thơ ấu có thể ảnh hưởng lâu dài đến cách nhìn nhận của bạn trong tương lai. Nếu bạn không nhận đủ sự quan tâm và chăm sóc khi còn nhỏ, điều đó có thể chuyển thành những cảm giác tiêu cực theo bạn trong suốt giai đoạn trưởng thành. Nếu cha mẹ bạn cũng thiếu tự tin vào bản thân thì bạn cũng bị tác động và bắt chước cách họ cảm nhận về bản thân một cách vô thức.
1.2.2. Thiếu kiến thức và kinh nghiệm
Thiếu kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống cũng là một trong những nguyên nhân khiến bạn thiếu tự tin về bản thân. Khi bạn không có kiến thức và kinh nghiệm về việc gì thì bạn sẽ luôn cảm thấy lo lắng, bồn chồn khi làm việc đó. Tương tự khi bạn chưa từng phát biểu trên sân khấu trước hàng trăm người thì chắc chắn bạn sẽ cảm thấy bất an khi làm điều đó lần đầu tiên.
Vì vậy, khi đối mặt với thử thách mới, bạn hãy chấp nhận nó và hiểu được năng lực bản thân mình đến đâu. Bạn cần dành thời gian nghiên cứu và học hỏi từ những người đi trước hoặc bắt đầu tập thực hành để có những trải nghiệm cho mình.
1.2.3. Sự kỳ vọng quá mức
Trên thực tế, sự kỳ vọng quá mức cũng là lý do dẫn đến sự thiếu tự tin vào bản thân. Bạn muốn trở thành người giỏi nhất mặc dù bạn không có kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng cần thiết. Bạn không hài lòng với bất kể điều gì và luôn mong muốn nhiều hơn. Đây là tâm lý khó hài lòng, nhanh chóng tìm ra lỗi và luôn mong muốn nhiều hơn. Nếu đặt ra những kỳ vọng quá cao và xa vời với năng lực của bản thân thì khi nhận lấy thất bại cũng là lúc bạn tự đổ lỗi cho bản thân, cho rằng mình yếu kém và dần tự cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân.
1.3. Biểu hiện của thiếu tự tin vào bản thân
Sự thiếu tự tin vào bản thân đến từ nhiều lí do khác nhau nhưng chung quy lại, những người này luôn thấy mình không đủ tốt, họ luôn tự đánh giá thấp bản thân. Họ cũng có xu hướng tránh những cuộc giao tiếp xã hội và lên tiếng trước đám đông vì sợ bị chê cười hoặc đánh giá.
Nếu bạn đang có những dấu hiệu sau đây thì rất có thể bạn đang cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân:
- Dễ tổn thương trước những lời nhận xét của người khác về mình
- Sợ xuất hiện trước đám đông và không bao giờ bắt chuyện với người khác
- Không muốn chia sẻ câu chuyện với người khác
- Tránh những cuộc tụ tập với bạn bè, các buổi giao lưu, thuyết trình
- Hiếm khi đưa ra ý kiến riêng của mình
- Hay cảm thấy choáng ngợp, lo lắng và thường quên những gì mình cần nói
- Cảm giác người xung quanh luôn liên tục đánh giá và chỉ trích bạn
- Khi mọi thứ trở nên khó khăn, bạn dễ dàng từ bỏ mà không cần nỗ lực
2. Ảnh hưởng của việc thiếu tự tin vào bản thân
2.1. Ảnh hưởng đến công việc
Khả năng tự tin đối phó với áp lực là một khả năng quan trọng đối với bất kỳ ai làm việc ở bất kì vị trí nào. Nếu bạn là kiểu người tự tin vào khả năng học hỏi, nghiên cứu và cải thiện kỹ năng của bạn, thì bạn sẽ thấy những trở ngại và thách thức là điều bạn thích thú thì bạn xem chúng là cơ hội để phát triển. Mặt khác những người thiếu tự tin vào bản thân, thường tránh né những khó khăn trong công việc vì họ cho rằng họ không đủ giỏi.
Những người thiếu tự tin thường nhút nhát và ngại giao tiếp có thể sẽ có thể bỏ lỡ những cơ hội để khẳng định năng lực của bản thân. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thăng tiến trong sự nghiệp của bạn. Hầu hết những người thiếu tự tin vào bản thân thường không có chí tiến thủ và chỉ muốn duy trì một cuộc sống ổn định. Họ thường chọn những công việc mang tính ổn định hơn là cạnh tranh.
Trong những cuộc phỏng vấn xin việc hoặc trình bày về dự án, vì khó khăn về giao tiếp khiến họ thường mắc những lỗi như nói chuyện không mạch lạc, thiếu logic, lúng túng, không diễn đạt chính xác ý tưởng của mình. Kết quả là, nhà tuyển dụng hoặc cấp trên thường nghi ngờ về khả năng của họ mặc dù họ có thể có kiến thức và kĩ năng làm việc tốt.
2.2. Ảnh hưởng đến bản thân
Những người tự tin sẽ luôn muốn thử thách bản thân và trải nghiệm những điều mới mẻ. Mặt khác những người thiếu tự tin vào bản thân sẽ thường né tránh những cơ hội mới vì họ sợ rủi ro và thu mình vào vùng an toàn. Điều này vô tình tạo ra lối sống gò bó, không phát triển và không có những trải nghiệm mới mẻ, thú vị.
Những người thiếu tự tin thường không có niềm tin vào năng lực bản thân. Khi gặp khó khăn, họ thường chùn bước và dễ hài lòng với những gì mình đang có. Tuy họ đưa ra nhiều định hướng, mục tiêu cho tương lai nhưng vì không có niềm tin vào bản thân họ dễ từ bỏ và khó đạt được những gì mình mơ ước.
2.3. Ảnh hưởng đến giao tiếp xã hội
Những người thiếu tự tin thường khó kết bạn, hầu hết những người bạn của họ thường là những người họ đã quen biết từ lâu, như bạn cùng lớp, người thân trong gia đình. Khó khăn trong giao tiếp thường do thiếu các kỹ năng giao tiếp xã hội, như kỹ năng đàm phán, khả năng ngoại ngữ, khả năng diễn đạt…Ngoài ra tâm lý ngại chia sẻ những vấn đề của bản thân sẽ tạo ra khoảng cách khiến họ khó gần gũi với người khác.
Vì vậy, thiếu tự tin không những ảnh hưởng tiêu cực đến cá nhân mỗi người, mà còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội. Nếu như tất cả mọi người đều thiếu tự tin, nhút nhát và ngại giao tiếp lẫn nhau thì xã hội sẽ tụt lùi, lạc hậu.
3. Cách khắc phục sự thiếu tự tin vào bản thân
3.1. Dừng việc so sánh bản thân với người khác
Bạn có từng so sánh diện mạo của mình với người mà bạn theo dõi trên các mạng xã hội không? Hoặc có thể bạn so sánh mức lương của mình với người khác. Việc so sánh tuy không có gì là sai nhưng nó cũng không giúp bạn tự tin hơn, thậm chí nó còn có dụng ngược lại. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi so sánh bản thân với người khác, chúng ta có xu hướng ghen tị và càng so sánh chúng ta sẽ thấy bản thân yếu kém và tồi tệ.
Vì vậy làm thế nào để bạn cải thiện và dần tự tin vào bản thân, khi bạn lỡ đưa ra những so sánh? Đầu tiên, hãy nhắc nhở bản thân làm như vậy là vô ích. Mọi người đang chạy đua trên con đường cuộc sống của riêng mình và cuộc sống cũng không phải là mọi cuộc cạnh tranh.
Nếu bạn cảm thấy thiếu tự tin, ghen tị khi so sánh với thành tựu của người khác, có thể rất hữu ích khi bạn nghĩ lại về những thành tích và thành công của chính bạn. Bạn có thể viết nhật ký để lưu lại, ghi nhớ những mục tiêu mà bạn đã đạt được. Điều này có thể giúp bạn tập trung phát triển cuộc sống của mình hơn là người khác.
3.2. Xây dựng mối quan hệ tích cực
Những người bạn xung quanh bạn có ảnh hưởng không nhỏ đến thái độ và suy nghĩ của bạn về chính bản thân bạn. Vì vậy, hãy để ý đến cách người khác khiến bạn cảm thấy như thế nào. Nếu bạn cảm thấy tồi tệ với bản thân sau khi dành thời gian nói chuyện với bất kì một ai, có thể đã đến lúc bạn nên kết thúc mối quan hệ đó.
Thay vào đó, hãy nói chuyện, chia sẻ với những người luôn yêu thương và ủng hộ bạn, luôn mong muốn những gì tốt nhất cho bạn. Tìm kiếm những người bạn tích cực có thể giúp bạn xây dựng lòng tin và thái độ tích cực.
3.3. Đối mặt với thử thách
Gạt bỏ sự thiếu tự tin vào bản thân, hãy đối mặt và chấp nhận những thử thách. Nếu bạn sợ mình không thành công thì hãy nói với bản thân bạn rằng đó là trải nghiệm giúp bạn đúc kết ra những bài học.
Bạn sẽ nhận ra rằng lo lắng hay những sai lầm không tệ như bạn nghĩ. Khi bạn trải nghiệm được nhiều thử thách, rút ra nhiều bài học và khi tiến về phía trước, bạn sẽ có nhiều niềm tin hơn vào bản thân. Cuối cùng, những điều này sẽ giúp bạn tránh được những rủi ro dẫn đến kết quả tiêu cực.
3.4. Đặt ra những mục tiêu thực tế
Mục tiêu cũng có thể là nguyên nhân thất bại của bạn. Đôi khi bạn tự hỏi liệu bạn có những gì cần thiết để đạt được thành công hay không? Hay làm thế nào để có thể tự tin hơn khi thực hiện những mơ ước của mình? Câu trả lời nằm ở việc thiết lập các mục tiêu thực tế.
Đặt ra những mục tiêu cao và không đạt được sẽ khiến giảm mức độ tin cậy của bản thân. Ngược lại, khi đặt ra những mục tiêu mà bạn có thể đạt được và đạt được nhiều mục tiêu sẽ giúp bạn có sự tự tin đồng thời nâng cao năng lực của bạn.
Để đề ra những mục tiêu thực tế, hãy viết ra những gì bạn muốn đạt được, tiếp theo hãy đặt ra câu hỏi liệu bạn có đạt được nó không. Nếu điều đó nằm trong khả năng của bạn thì đừng ngần ngại thực hiện, còn nếu đó là mục tiêu quá cao so với khả năng thì bạn hãy cân nhắc, điều chỉnh lại sao cho thực tế và dễ đạt được hơn.
Trên đây là những thông tin tổng quát về sự thiếu tự tin vào bản thân mà vieclam88.vn tìm hiểu được để giải đáp những thắc mắc của mọi người. Hi vọng qua bài viết này mọi người có thể hiểu rõ được thiếu tự tin là gì và học hỏi được cách khắc phục sự thiếu tự tin vào bản thân. Để theo dõi những bài viết hữu ích tiếp theo đừng quên truy cập vieclam88.vn mỗi ngày nhé!
Tham gia bình luận ngay!