1. Vai trò của sơ yếu lý lịch cán bộ công chức mẫu 1a
Sơ yếu lý lịch 1a là lý lịch dành cho cán bộ công chức, là bộ phận quan trọng không thể thiếu cho cán bộ công chức làm việc tại cơ quan nhà nước. Sơ yếu lý lịch 1a mang tính pháp lý, nêu rõ những phẩm chất, năng lực, thông tin cá nhân, nguồn gốc, quá trình công tác, mối quan hệ gia đình,… của cán bộ, công chức.
Sơ yếu lý lịch 1a cũng là giấy tờ giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ công chức đó. Nó là tài liệu quan trọng cung cấp thông tin đáng tin cậy và chính xác để cơ quan nhà nước biết được đạo đức, tác phong làm việc, phẩm chất chính trị, hoàn cảnh gia đình, quan hệ công tác xã hội,… của cán bộ công chức.
Sơ yếu lý lịch cán bộ công chức mẫu 1a cũng là căn cứ để các cơ quan sử dụng và quản lý, theo dõi, thực hiện các chế độ chính sách phù hợp với cán bộ công chức đó. Vậy cách viết sơ yếu lý lịch cán bộ công chức mẫu 1a ra sao? Cùng tìm hiểu qua phần tiếp theo nhé!
2. Cách viết sơ yếu lý lịch cán bộ công chức mẫu 1a
Sơ yếu lý lịch cán bộ công chức mẫu 1a gồm có những nội dung dưới đây:
2.1. Bìa sơ yếu lý lịch cán bộ công chức mẫu 1a
Ở phần bìa sơ yếu lý lịch công chức mẫu 1a có những mục bạn cần điền như: Họ và tên khai sinh, tên gọi khác, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, chức vụ công tác hiện tại, cơ quan đơn vị quản lý cán bộ công chức.
Họ và tên khai sinh: Bạn ghi đúng trong giấy khai sinh của bạn. Nếu bạn có tên gọi khác hoặc bí danh, bạn điền vào mục tên gọi khác. Ngày tháng năm sinh: Bạn điền như trong giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân photo. Giới tính: Bạn điền giới tính của bạn là nam hoặc nữ. Quê quán: Bạn ghi theo sổ hộ khẩu. Chức vụ hiện tại: Bạn điền chức vụ hiện tại của mình, ghi rõ chức vụ gì. Cơ quan đơn vị quản lý cán bộ công chức: Bạn điền cơ quan đơn vị nơi bạn làm việc.
Phần bìa là phần mở đầu, cơ quan nhà nước sẽ nhìn thấy đầu tiên, nên bạn cần đảm bảo trình bày sạch sẽ, đẹp mắt và viết đúng chính tả.
2.2. Phần sơ yếu lý lịch
Sơ yếu lý lịch cán bộ công chức mẫu 1a bạn cần điền các mục theo mẫu như sau:
- Họ và tên khai sinh: Bạn viết chữ in hoa và viết bởi tiếng Việt có dấu.
- Tên gọi khác: Nếu bạn có tên gọi khác hoặc bí danh hoạt động trong cách mạng, báo chí, nghệ thuật,… bạn điền vào, còn không thì để trống.
- Ngày tháng năm sinh: Bạn ghi như trong chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của mình.
- Giới tính: Bạn điền đúng giới tính của mình.
- Nơi sinh và quê quán: Bạn ghi giống như trong sổ hộ khẩu, ghi rõ xã, huyện, tỉnh.
- Dân tộc: Bạn ghi dân tộc của bạn theo Nhà nước quy định từ trước.
- Tôn giáo: Có Hồi giáo, Công giáo, Phật giáo,… bạn điền đúng tôn giáo của mình, nếu không có thì ghi “không”.
- Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: Bạn cần ghi từ số nhà, đến đường phố, thành phố hoặc xóm/thôn, xã, huyện, tỉnh.
- Nơi ở hiện nay: Bạn ghi nơi ở hiện tại của bạn.
- Nghề nghiệp khi được tuyển dụng: Là nghề nghiệp khi bạn được tuyển dụng vào cán bộ công chức. Ghi rõ ngày và cơ quan tuyển dụng.
- Cơ quan hiện tại: Cơ quan mà bạn đang làm việc.
- Công việc chính được giao: Bạn ghi rõ công việc chính mà mình được giao, ví dụ như dạy học, viết bài,…
- Ngạch công chức (viên chức): Ngạch công chức (viên chức) được phân chia theo cấp bậc, chuyên môn và nghề nghiệp như giáo dục, y tế, giải trí, khí tượng,…
Có mã ngạch công chức và viên chức như: Ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự, nhân viên, ngạch khác theo quy định của Chính phủ,… và một số chuyên ngành tương đương. Bạn căn cứ vào chức vụ của mình mà ghi rõ tên ngạch mà mã ngạch.
Những phần khác như bậc lương, hệ số, ngày hưởng, phụ cấp bạn điền rõ ràng, ghi theo mức lương hiện tại.
- Trình độ giáo dục phổ thông: Bạn ghi tốt nghiệp lớp mấy, thuộc hệ nào. Ví dụ như 12/12, 10/10 hoặc ghi rõ hệ.
- Trình độ chuyên môn cao nhất: Bạn ghi trình độ cao nhất của bạn như Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, kỹ sư, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và ghi kèm chuyên ngành bạn học.
- Lý luận chính trị: Có cao cấp, trung cấp, sơ cấp hoặc tương đương.
- Quản lý nhà nước: Bạn có thể ghi chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự,…
- Ngoại ngữ: Bạn ghi tên ngoại ngữ cộng trình độ theo bậc A, B, C, D,… Ví dụ: Nga A, Pháp B,…
- Tin học: Bạn ghi tin học của bạn theo trình độ A, B, C,…
- Ngày vào Đảng cộng sản Việt Nam và ngày chính thức: Bạn ghi rõ ngày cụ thể được vào và ngày chính thức được vào Đảng.
- Ngày tham gia tổ chức chính trị, xã hội: Bạn ghi các ngày tham gia tổ chức Đoàn, hội nào đó và ghi rõ làm việc gì trong tổ chức đó.
- Ngày nhập ngũ, ngày xuất ngũ, quân hàm cao nhất: Bạn ghi rõ ngày nhập ngũ và ngày xuất ngũ trong bộ đội, công an của mình. Ghi rõ quân hàm mà bạn đạt được cao nhất.
- Danh hiệu được phong tặng cao nhất: bạn điền danh hiệu bạn được phong cao nhất như: Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, nhà giáo, thầy thuốc, nghệ sĩ nhân dân, ưu tú,…
- Sở trường công tác: Bạn ghi rõ sở trường của mình, giỏi về lĩnh vực nào đó.
- Tình trạng sức khỏe: Ghi rõ tình trạng sức khỏe của bản thân và chiều cao, cân nặng, nhóm máu của bạn.
- Là thương binh hạng: Nhất, nhì, ba,…
Là còn gia đình chính sách như: Con thương binh, liệt sĩ, người nhiễm chất độc màu da cam,…
2.3. Đặc điểm lịch sử bản thân
Bạn ghi các đặc điểm lịch sử của bản thân trước tuyển dụng và sau khi tuyển dụng.
Đặc điểm lịch sử trước tuyển dụng: Bạn ghi rõ ngày tháng năm đã học và tốt nghiệp những trường nào, ở đâu hoặc làm những công việc gì (kể cả hợp đồng lao động) trong cơ quan, đơn vị, tổ chức nào, ở đâu (kê khai những thành tích nổi bật trong học tập, lao động)? Trường hợp bị bắt, bị tù (thời gian nào, ở đâu, ai biết).
Đặc điểm lịch sử của bản thân sau khi tuyển dụng: Bạn ghi rõ ngày tháng năm được tuyển dụng vào đơn vị nào (đơn vị chủ quản, đơn vị trực thuộc)? Công việc chính được phân công đảm bảo trọng trách (chức danh công việc hoặc chức vụ công tác) là gì? Được xếp vào ngạch bậc lương nào và phụ cấp (nếu có) là bao nhiêu?
2.4. Tham gia tổ chức xã hội-chính trị, hội nghề nghiệp
Phần tham gia tổ chức xã hội-chính trị, hội nghề nghiệp: Ghi rõ thời gian vào Đoàn thanh niên Cộng sản HCM; tham gia hoạt động trong tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp khác (trong và ngoài nước),... (tên tổ chức, tên hội, trụ sở ở đâu, đã giữ chức vụ hoặc chức danh gì trong các tổ chức này).
Quá trình đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học: Bạn ghi rõ tên trường đào tạo, chuyên ngành đào tạo, bồi dưỡng, ghi rõ ngày tháng năm, hình thức đào tạo và bồi dưỡng, văn bằng, chứng chỉ. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng bao gồm: Chính quy, từ xa, tại chức, chuyên tu,… Văn bằng bao gồm: Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, trung cấp, sơ cấp,…
2.5. Khen thưởng và kỷ luật
Bạn ghi rõ ngày tháng năm được khen thưởng hoặc kỷ luật, ghi rõ cấp quyết định. Khen thưởng về bằng cấp gì, cấp quyết định khen thưởng là gì? Hình thức như giấy khen, bằng khen, huy chương, huân chương.
2.6. Quan hệ gia đình, thân tộc
Mối quan hệ gia đình và thân tộc gồm có các mối quan hệ về vợ/chồng, con cái, ông, bà (nội ngoại), cha, mẹ, anh, chị, em ruột: Nêu rõ họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, đặc điểm lịch sử (có bị bắt, bị tù, làm việc trong chế độ cũ, ngụy quân, ngụy quyền không); hiện đang làm gì (ghi rõ chức vụ hoặc chức danh nếu có, tên và địa chỉ cơ quan, đơn vị công tác ở trong hoặc ngoài nước), nơi cư trú của người thân và gia đình cán bộ công chức.
2.7. Tự nhận xét
Bạn sẽ tự nhận xét về chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, sở trường công tác của bạn.
Cuối cùng là lời khai cam đoan những thông tin trên là đúng sự thật, ký và ghi rõ họ tên của cán bộ công chức và có xác nhận của thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ công chức đó.
3. Một số lưu ý khi viết sơ yếu lý lịch cán bộ công chức mẫu 1a
Bạn cần khai những thông tin đúng sự thật, tránh gian dối.
Bạn cần trình bày rõ ràng, sạch đẹp và không được viết sai chính tả. Bạn cũng nên tránh tẩy xóa, gạch chữ.
Sơ yếu lý lịch cán bộ công chức mẫu 1a cần phải được xác minh và xác nhận bởi cơ quan, thủ trưởng, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức. Tất cả các trang trong sơ yếu lý lịch cán bộ công chức cần được đóng dấu giáp lai.
Trên đây là cách viết sơ yếu lý lịch của cán bộ công chức mẫu a1, cũng như một số lưu ý bạn cần tránh.
Tham gia bình luận ngay!