1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì và những điều bạn cần biết
1.1. Tìm hiểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì?
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (trong tiếng Anh là Vietnamese Fatherland Front) là một tổ chức liên hiệp tự nguyện, liên minh chính trị của các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị (Đảng Cộng sản Việt Nam), tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu ở trong các tầng lớp, giai cấp của xã hội, tôn giáo, dân tộc và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại diện bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của nhân dân; cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, thực hiện dân chủ; giám sát và phản biện xã hội; tham gia vào xây dựng Đảng, Nhà nước và chính quyền, các hoạt động đối ngoại của nhân dân, góp phần trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
1.2. Vậy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò gì?
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là một bộ phận chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết của dân tộc ta, và đặc biệt là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn đóng vai trò trong việc tập hợp và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, hỗ trợ nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ, quyền con người; rèn luyện các đảng viên, cán bộ công chức do dân bầu ra, thực hiện những nhiệm vụ mà nhà nước giao phó.
1.3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động dựa trên nguyên tắc nào?
Mặt trận này thống nhất tổ chức hoàn toàn bình đẳng, công bằng về tổ chức và địa vị. Các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ hoạt động dựa theo 4 nguyên tắc: Hiệp thương dân chủ; Hợp tác bình đẳng; Đoàn kết chân thành và tôn trọng lẫn nhau; Phối hợp và hành động thống nhất.
Khi sinh hoạt và làm việc, các thành viên trong Mặt trận đều tự do thảo luận, bình đẳng, tự do bàn bạc, hiệp thương dân chủ, không mệnh lệnh và không áp đặt để đưa ra sự thống nhất. Các thành viên nếu có ý kiến khác thì sẽ cùng nhau thuyết phục, trao đổi và giúp đỡ nhau giải quyết các khó khăn.
2. Nhiệm vụ và chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
2.1. Tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ có nhiệm vụ tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tăng cường sự thống nhất, nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân.
Mặt trận này phát triển đa dạng các tổ chức, các hoạt động tập hợp, đoàn kết giữa những người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt dân tộc, thành phần giai cấp, tôn giáo, tín ngưỡng, quá khứ của mỗi người, nhằm động viên tất cả mọi người góp phần xây dựng bảo vệ đất nước.
2.2. Tuyên truyền và vận động nhân dân phát huy hết quyền lợi
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện các hoạt động để tuyên truyền và động viên nhân dân phát huy các quyền tự do làm chủ, thực hiện theo đường lối và chủ trương chính sách của Đảng, thực thi nghiêm chỉnh hiến pháp và pháp luật.
Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các chính quyền cấp xã, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện quyền dân chủ ở các khu dân cư, cơ sở, hương ước. Đồng thời, Mặt trận chỉ đạo các hoạt động của Ban thanh tra nhân dân cấp xã và Ban giám sát đầu tư trong cộng đồng, và tham gia các hoạt động hòa giải ở cơ sở.
2.3. Bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của nhân dân
Mặt trận Tổ quốc sẽ thực hiện các hành vi đối ngoại của nhân dân, đồng thời tổng hợp, tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để kiến nghị, phản ánh với Đảng và Nhà nước.
Các thành viên trong Mặt trận đều theo trách nhiệm và quyền lợi của mình để tổng hợp các ý kiến hay kiến nghị của các hội viên, đoàn viên hay các tầng lớp nhân dân khác, gửi đến ban thường trực của Mặt trận Tổ quốc ở địa phương.
Khi đó, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận ở địa phương sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân để tổng hợp các ý kiến và kiến nghị mà nhân dân đưa ra, báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân về các vấn đề địa phương, sau đó tổng hợp và gửi lên Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương và Ủy ban thường vụ Quốc hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Cuối cùng, các ý kiến sẽ được tổng kết và báo cáo tại kỳ họp của Quốc hội. Và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần phối hợp giữa Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp và các tổ chức tiếp xúc cử tri của các Đại biểu quốc hội.
2.4. Tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước Việt Nam
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tham gia vào bầu cử thành viên thông qua lựa chọn và giới thiệu những người ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân, đại biểu Quốc hội.
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn tham gia bầu cử, phối hợp với các cơ quan nhà nước tổ chức hội nghị cử tri ở cấp xã và các cuộc tiếp xúc cử tri với những người ứng cử, cùng với đó là tham gia tuyên truyền, vận động các cuộc bầu cử đúng pháp luật.
Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đại diện tham gia giám sát Thẩm phán Quốc gia, tham gia Hội đồng tuyển chọn các Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên sơ cấp.
Các mặt trận ở cấp tỉnh, huyện sẽ chủ trì giới thiệu, lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn và điều kiện để Hội đồng nhân dân bầu cử theo quy định của pháp luật đề ra.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật và tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí trong cả nước. Đồng thời, Mặt trận sẽ tham gia góp ý và kiến nghị với Nhà nước, tham dự các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Chính phủ, Kỳ Hội đồng Nhân dân, phiên họp Ủy ban nhân dân,...
2.5. Thực hiện giám sát cùng với phản biện xã hội
2.5.1. Mặt trận tham gia giám sát
Ủy ban Nhân Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ giám sát trực tiếp hoặc đề nghị các thành viên trong Mặt trận cần xem xét, theo dõi, đánh giá, kiến nghị các hoạt động của tổ chức, cơ quan, cán bộ, công chức, đại biểu dân cử trong việc thực hiện các chính sách và pháp luật.
Nội dung giám sát gồm có thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, chính đáng mà Nhân dân đưa ra, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Việc giám sát này cần kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị việc bổ sung và sửa đổi chính sách pháp luật; tìm kiếm và phát hiện các nhân tố mới, những mặt tích cực hay các điển hình tiên tiến.
Bên cạnh đó, việc giám sát cần phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước vững mạnh và trong sạch. Và Mặt trận có thể thông qua nhiều hình thức khác nhau như xem xét, nghiên cứu văn bản của các cơ quan có thẩm quyền hay các tổ chức đoàn giám sát.
2.5.2. Mặt trận Tổ quốc tham gia phản biện xã hội
Phản biện xã hội trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc nhờ các tổ chức thành viên hay các cấp trực tiếp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc nhận xét, nêu chính kiến, kiến nghị đối với các dự thảo văn bản pháp luật, kế hoạch, chương trình, dự án, đầu tư và các đề án của cơ quan Nhà nước.
Nội dung của phản biện xã hội cần là sự cần thiết, phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng và các chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, nội dung cần đúng đắn, khả thi và khoa học, tác động hiệu quả đến nền kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội, quốc phòng an ninh và đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, Nhân dân.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã biết được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì, cũng như vai trò, nhiệm vụ và chức năng của Mặt trận này. Đặc biệt, để cải cách bộ máy chính trị của Nhà nước, cần xây dựng được quan hệ mật thiết giữa bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và toàn thể nhân dân trong cả nước. Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, góp phần bảo vệ và xây dựng đất nước ta ngày càng vững mạnh.
Tham gia bình luận ngay!