1. Gap year là gì? Tại sao phải Gap year?
1.1. Định nghĩa về Gap year
Trong tiếng Anh, “gap” được định nghĩa là một khoảng trống giữa hai vật hoặc vị trí ở giữa của một thứ gì đó. Còn “year” nghĩa là năm. Như vậy, Gap year có thể hiểu là “năm khoảng trống”, hay năm nghỉ phép. Cụ thể, Gap year thường là một kỳ nghỉ kéo dài 12 tháng (hoặc hơn) sau một quá trình học tập hay làm việc để thực hiện những kế hoạch khác của bản thân.
Mặc dù nó có ý nghĩa là kỳ nghỉ, nhưng thực ra không hẳn là kỳ nghỉ ngơi bình thường, mà bạn sẽ tận dụng khoảng thời gian ít vướng bận này để làm nhiều thứ mà bản thân muốn. Đối tượng Gap year nhiều nhất có lẽ là học sinh đã tốt nghiệp THPT, đang trong khoảng thời gian trước khi vào Đại học. Tiếp theo là đối tượng sinh viên tốt nghiệp Đại học nhưng chưa muốn bước vào vòng xoay của công việc ngay lập tức mà muốn dành thời gian cho những đam mê và hoài bão của bản thân. Hay một đối tượng khác, đó là những người đã đi làm, họ muốn dành khoảng thời gian giữa những lần nghỉ việc để cân bằng cuộc sống, định hướng lối đi của bản thân.
1.2. Có những loại Gap year nào?
1.2.1. Làm một công việc mà bạn thích
Nếu bình thường bạn đi làm với mục đích chính là kiếm tiền thì trong khoảng thời gian này bạn sẽ ưu tiên những vị trí công việc mà bạn mong muốn. Thậm chí bạn có thể chọn làm việc mà không nhận lương để trải nghiệm môi trường làm việc mình đã ao ước từ lâu.
Lựa chọn này còn phù hợp cho cả học sinh vừa tốt nghiệp THPT nữa, bởi với học sinh cấp 3, họ sẽ được cọ xát với môi trường làm việc thực tế để định hướng bản thân cần phải làm gì, biết mình thích gì và không thích gì. Đối với người đã đi làm, bạn nên biến thời gian này để tìm hiểu một lĩnh mới nếu công việc cũ khiến bạn không còn hứng thú nữa hay có mong muốn chuyển ngành. Hay đơn giản là bạn có thể chọn làm một công việc bình thường ít phải suy nghĩ vì công việc trước khiến bạn gặp quá nhiều stress.
1.2.2. Trở thành tình nguyện viên
Một năm làm tình nguyện sẽ giúp bạn phát triển nhiều khả năng cộng đồng, mở rộng thêm những mối quan hệ. Bởi những hoạt động tình nguyện thường được đăng tuyển bởi các dự án nước ngoài, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức từ thiện… và bạn được góp sức vào một vài vai trò như hành chính, kêu gọi gây quỹ, tổ chức sự kiện, chăm sóc và chơi đùa với trẻ, giảng dạy... và biết đâu đây lại là những cơ hội việc làm trong tương lai.
1.2.3. Đi đến nơi mà bạn muốn
Không ít người lựa chọn dành ra một năm trời để du lịch một mình vì ít ai tìm được bạn đồng hành cùng chí hướng cho cả một năm. Do vậy, bạn sẽ phải đi du lịch một mình, nhưng không vì thế mà bạn trở nên buồn bã đâu nhé, bởi mỗi nơi bạn đặt chân đến, bạn sẽ gặp những con người mới và biết đâu bạn sẽ tìm đường người đồng hành trong những chặng đường tiếp theo.
1.2.4. Học thêm một kỹ năng, ngôn ngữ hay bất kì điều gì mà bạn thích
Nếu trước giờ những thứ bạn học hầu hết đều do sự sắp đặt của người khác hoặc là để kiếm tiền thì đây là khoảng thời gian dành cho bạn, bạn có thể đăng ký học một môn nào đó đơn giản vì bạn thích.
Chẳng hạn như bạn học chơi guitar, học võ, cắm hoa, làm bánh, vẽ tranh, nấu ăn, viết lách... Hơn nữa, bạn hoàn toàn có thể đăng ký một khóa học ngắn hạn ở Việt Nam hay nước ngoài, để bổ trợ kiến thức và kỹ năng cho ngành nghề mà mình đang theo đuổi.
2. Gap year có nên hay không?
Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy cùng tôi phân tích những lợi ích và tác hại khi bạn quyết định Gap year nhé!
2.1. Lợi ích của Gap year
2.1.1. Học những điều mới
Thay vì học tập hay làm những công việc khiến bạn nhàm chán, một năm Gap year sẽ đem đến cho bạn những bài học thú vị mà không một thầy cô hay người sếp nào nói với bạn. Việc học ở đây sẽ không phải xoay quanh các vấn đề học thuật nhàm chán mà đó có thể là những bài học kinh nghiệm mà bạn tự đúc kết sau khi trải qua một năm Gap. Đó có thể là những bài học về kỹ năng sinh tồn, học một ngôn ngữ khác, làm một công việc mà bạn muốn.
Ngoài ra, Gap year cũng là thời gian để bạn hiểu thêm về bản thân, khám phá bản thân xem điều gì truyền cảm hứng cho bạn, cũng như tìm ra hướng đi đúng đắn cho bản thân trong tương lai. Cho dù bạn đang học tập, hoạt động tình nguyện, đi du lịch hay làm việc thì bạn chắc chắn sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị.
2.1.2. Mở rộng các mối quan hệ
Một năm Gap year sẽ giúp bạn có thêm nhiều mối quan hệ khác nhau. Cho dù đó là hoạt động tình nguyện, học tập, du lịch việc gặp gỡ với nhiều người sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp, mở rộng các mối quan hệ và giúp bạn hiểu hơn về bản thân. Biết đâu những mối quan hệ đó sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội khác.
2.1.3. Làm nổi bật CV của bạn
Nếu có một kế hoạch Gap year cụ thể, CV của bạn có thể sẽ gây ấn tượng mạnh với các nhà tuyển dụng. Bất kể là bạn dành thời gian đó để làm gì thì quãng thời gian Gap year sẽ đem lại cho bạn những giá trị nhất định mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ ấn tượng.
2.1.4. Giải tỏa căng thẳng sau tháng ngày học tập và làm việc mệt mỏi
Những áp lực sau giờ học tập và làm việc luôn khiến bản thân mệt mỏi, dễ stress. Thế nên, khoảng thời gian Gap year sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để “refresh” bản thân. Thay vì phải làm việc như một cái máy, chán nản, không cảm xúc thì bạn có thể Gap year vài tháng, và sau đó quay lại học tập và làm việc với một tinh thần đầy hứng khởi, tràn trề năng lượng.
2.1.5. Có những trải nghiệm đáng giá
Bạn đã từng nghe đến câu cụm từ YOLO chưa? Nó là viết tắt của câu: You only live once!, dịch ra nó có nghĩa là bạn chỉ sống một lần trong đời! Vì thế, nếu bạn thực sự muốn dành thời gian cho bản thân, để làm những điều mình thích thì đừng chần chừ mà hãy bắt tay ngay vào thực hiện kế hoạch Gap year của bản thân đi thôi. Đây sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ trong suốt cuộc đời, đem đến cho bạn những trải nghiệm đáng giá và những kỷ niệm khó quên.
2.2. Tác hại của Gap year
2.2.1. Lãng phí thời gian quý giá
Việc dành ra cả một năm để ngừng lại những công việc đang làm là điều không phải ai cũng làm được. Chính vì thế, đừng để 1 năm Gap year của bạn trôi qua một cách lãng phí và vô bổ. Bạn nên bắt tay vào lập kế hoạch ngay khi quyết định Gap year, vạch ra những mục tiêu và quyết tâm rõ ràng. Chắc chắn, bạn sẽ không muốn 1 năm Gap year của bạn trôi qua mà chỉ đọng lại trong mình những bộ phim dài tập hay những ngày ngủ nướng từ sáng đến đêm đúng không nào?
2.2.2. Cảm giác bị “bỏ lại phía sau”
Với nhiều người, đây có lẽ là một lý do khiến họ chần chừ về việc quyết định có nên Gap year hay không, cảm xúc tiêu cực này rất khó vượt qua. Bạn thử nghĩ xem, trong khi bạn đang dành 1 năm để tận hưởng những đam mê của bạn thân, tạm dừng các dự định thì bạn bè của bạn đã bước vào cánh cửa đại học, hoặc đồng nghiệp đang dần thăng tiến trong công việc, lúc đó bạn có thể cảm thấy mình đang bị "bỏ lại phía sau" so với họ.
Nếu bạn thực sự nghiêm túc lên kế hoạch cho Gap year thì đừng so sánh bản thân với bất kỳ ai, bởi mỗi người sẽ có sự lựa chọn, kế hoạch và con đường riêng cho cuộc đời của mình.
2.2.3. Luôn tiềm ẩn những rủi ro
Tất nhiên, bất kỳ lựa chọn nào cũng không tránh khỏi những rủi ro, bạn có thể bị thương, mắc bệnh trong khi đi du lịch, tiêu hết tiền, bị trộm khi đi du lịch, hay bạn có thể thất vọng khi đến cuối hành trình sau 1 năm Gap year bạn nhận ra rằng trải nghiệm của mình không đạt được những điều mà bạn đã mong chờ.
Tuy vậy, hãy luôn tin rằng mọi lựa chọn, mọi điều xảy ra xung quanh ta đều có lý do của nó, hãy coi đó là những trải nghiệm của bản thân dù tốt hay xấu, dù bạn lựa chọn như thế nào thì hãy cứ tin và làm nó bằng hết sức của mình thì tất cả đều có ý nghĩa.
3. Bạn đã sẵn sàng cho việc Gap year rồi chứ?
Sau khi biết hết về những lợi ích và tác hại của việc Gap year, liệu bạn có sẵn sàng gác lại những việc học hành, công việc nhàm chán đang làm mà tận hưởng 1 năm Gap year đầy nhiệt huyết hay không? Nếu có, hãy cùng tôi lập kế hoạch cho 1 năm Gap year đáng nhớ nhé!
3.1. Xin bảo lưu/nghỉ phép
Nếu bạn chưa bước vào đại học và vừa mới tốt nghiệp hoặc đang trong thời gian rảnh thì hãy bỏ qua bước này. Còn nếu bạn có những công việc còn dang dở thì hãy sắp xếp chúng như xin bảo lưu kết quả đại học, xin nghỉ phép để bản thân không còn vướng bận gì và sẵn sàng cho 1 năm Gap year nhé!
3.2. Trao đổi với bố mẹ
Gap year cũng là khoảng thời gian bạn thực hiện đam mê của mình, có thể phải xa gia đình và thiếu hụt nguồn tài chính. Hơn nữa, không phải bố mẹ nào cũng ủng hộ con cái của mình gác lại hết công việc dang dở để Gap year nên hãy trảo đổi và chia sẻ với bố mẹ để họ hiểu những điều mà bạn mong muốn, để họ yên tâm và thấy được sự quyết tâm của bạn.
3.3. Tìm hiểu về nơi mình muốn đến, những thứ mà mình sẽ làm
Trước khi làm bất cứ một điều gì bạn nên tìm hiểu kỹ lưỡng để có một sự chuẩn bị cũng như tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Bạn hãy tìm hiểu kỹ văn hóa, lối sống của nơi mình sẽ đến để chuẩn bị hành trang đầy đủ và có những trải nghiệm đáng nhớ trong đời.
3.4. Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết
Những giấy tờ cá nhân là những thứ rất cần thiết cho mỗi cuộc hành trình, vừa là những căn cứ để bạn có thể xuất nhập cảnh khi đi lại giữa các quốc gia mà còn là thứ để đảm bảo cho bạn nếu chó những chuyện không hay xảy ra.
3.5. Chuẩn bị thể lực và tài chính
Đây là điều không thể thiếu cho một “kì nghỉ dài hạn”. Hãy tập luyện thể thao, để nâng cao sức khỏe giúp bạn có thể lực để đi nhiều nơi mà bạn muốn, tham gia nhiều hoạt động hơn nữa. Không ai muốn mình đang Gap year mà lại mất phần nửa thời gian nằm bẹp giường vì ốm và mất sức đâu đúng không nào. Tài chính cũng là một điều đáng lưu ý, bạn cần biết quản lý tài chính của mình, chi tiêu hợp lý cho từng việc, tránh để 1 việc tốn quá nhiều chi phí và cạn kiệt ngân sách cho các kế hoạch tiếp theo.
Trên đây là những giải đáp về Gap year là gì và những câu hỏi xoay quanh việc Gap year. Hi vọng bài viết này đã giúp bạn trả lời câu hỏi có nên dành một khoảng thời gian dài để Gap year hay không. Dù lựa chọn thế nào thì tôi mong bạn sẽ hạnh phúc với quyết định của bản thân nhé!
Tham gia bình luận ngay!