1. Hướng dẫn chi tiết cách viết đơn xin từ chức
Quyết định từ chức luôn là một quyết định quan trọng và khó khăn, có ảnh hưởng đến rất nhiều việc và cá nhân liên quan. Tương tự, đơn xin từ chức cũng là một tài liệu quan trọng và sẽ được lưu trữ lại trong hồ sơ sự nghiệp của mỗi cá nhân, vì vậy đơn xin từ chức cần phải được trình bày đúng quy chuẩn về hình thức và rất kỹ càng về nội dung.
1.1. Trình bày đơn xin từ chức đúng quy chuẩn
Đơn xin từ chức không chỉ được gửi đến thủ trưởng hay người đứng đầu đơn vị nơi cá nhân đang công tác, mà còn được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền khác để được phê duyệt hay xin ý kiến chỉ đạo. Bởi vậy một lá đơn xin từ chức phải được trình bày đúng quy chuẩn dù cho từ chức vì bất cứ lý do gì.
1.1.1. Phần mở đầu
Trước tiên, đơn xin từ chức là văn bản chính thức và có giá trị về mặt pháp lý, bởi vậy đơn xin từ chức phải được viết đúng theo quy chuẩn của một văn bản hành chính.
Đơn xin từ chức phải được bắt đầu với quốc hiệu và tiêu ngữ được viết ở giữa trang giấy, quốc hiệu phải được viết hoa toàn bộ.
Tiếp theo là đến tên đơn, được viết in đậm, viết hoa toàn bộ và cũng được viết ở giữa dòng: “ĐƠN XIN TỪ CHỨC”.
Cuối cùng là địa chỉ nhận đơn. Địa chỉ nhận đơn sẽ tùy thuộc vào loại hình tổ chức hoặc doanh nghiệp cũng như chức vụ kiêm nhiệm của người viết đơn mà có sự thay đổi.
Như đã nói ở trên, quyết định từ chức không hề đơn giản chỉ là một cá nhân rời bỏ vị trí mà mình hiện đang kiêm nhiệm. Việc từ chức của cá nhân có thể liên quan đến nhiều công việc cũng như nhiều đơn vị phòng ban. Vì vậy đơn xin từ chức của cá nhân không chỉ được gửi đến lãnh đạo cơ quan mà còn gửi đến những cơ quan khác có thẩm quyền để được phê duyệt và xin ý kiến chỉ đạo.
Thông thường, đối với những cán bộ cấp thấp thì chỉ cần gửi đơn xin từ chức đến lãnh đạo và các sở ngành chuyên môn quản lý cán bộ công viên chức. Còn đối với những lãnh đạo cấp cao xin từ chức thì lá đơn sẽ được trình lên những cơ quan quản lý cấp cao hơn, chẳng hạn như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và văn phòng tổ chức Chính phủ, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam…
1.1.2. Phần nội dung đơn
Trong phần này, trước tiên người làm đơn cần khai rõ ràng và trung thực thông tin cá nhân, bao gồm những thông tin sau:
+ Họ và tên
+ Số CMND/ Thẻ CCCD
+ Ngày cấp
+ Nơi cấp
+ Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú
+ Nơi ở hiện tại
+ Tên đơn vị công tác
+ Chức vụ kiêm nhiệm
Tiếp theo người làm đơn sẽ biểu đạt nguyện vọng muốn được từ chức và nêu rõ thời gian quyết định xin từ chức bắt đầu có hiệu lực cũng như lý do xin từ chức.
1.1.3. Phần kết thúc đơn
Người làm đơn một lần nữa biểu đạt nguyện vọng muốn được từ chức kèm với một lời cảm ơn chân thành.
Kết thúc lá đơn sẽ là địa điểm, ngày tháng năm làm đơn cùng với chữ ký và họ tên đầy đủ của người làm đơn.
1.2. Viết lý do xin từ chức
Về những trường hợp cán bộ, công viên chức có thể từ chức, Pháp luật cũng đã sớm có những quy định. Cụ thể, theo Điều 30 Luật Cán bộ công chức thì cán bộ, công viên chức có thể xin từ chức nếu thuộc vào một trong những trường hợp sau đây:
+ Không đủ sức khỏe
+ Không đủ năng lực và uy tín
+ Từ chức theo yêu cầu nhiệm vụ
+ Từ chức vì lý do khác
Bên cạnh đó, trong Nghị định 24/2010/NĐ-CP cũng có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp có thể xin từ chức như sau:
+ Công chức tự nguyện, chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý cho một cá nhân khác
+ Công chức nhận thấy bản thân không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách và nhiệm vụ được giao
+ Công chức nhận thấy bản thân mình cần phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới
+ Công chức xin từ chức vì những lý do cá nhân khác
Nhìn chung, có thể có nhiều lý do xin từ chức. Tuy vậy, lý do thường thấy nhất và có vẻ hợp lý nhất đó là do tình trạng sức khỏe không cho phép tiếp tục đảm nhiệm công việc. Hầu như không bao giờ trong đơn xin từ chức xuất hiện những lý do chủ quan liên quan đến đạo đức chính trị, bê bối cá nhân, năng lực chuyên môn yếu kém…
Đó là đối với cán bộ công chức Nhà nước, còn đối với người lao động giữ chức vụ thấp hơn hoặc làm việc ngoài nhà nước, lý do xin từ chức có rất nhiều.
Điển hình là một số lý do sau:
- Lý do liên quan đến hoàn cảnh cá nhân:
+ Gia đình chuyển địa điểm sinh sống
+ Điều kiện sức khỏe không cho phép tiếp tục làm việc
- Lý do liên quan đến năng lực cá nhân:
+ Sự hạn chế về năng lực chuyên môn
+ Nhận thấy không còn đủ uy tín để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm
+ Không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao
+ Tự cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm với những sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cấp phó hoặc nhân viên dưới quyền
- Vì những lý do khác
2. Quy trình thủ tục xin từ chức mới nhất
Việc xin từ chức là điều không ai mong muốn, tuy vậy vẫn có những trường hợp cá nhân buộc phải xin từ chức hoặc tự cảm thấy bản thân không thể toàn tâm toàn ý tiếp tục ở lại và đảm nhiệm vị trí công việc hiện tại.
Quy trình thủ tục xin việc hiện nay như sau:
- Bước 1: Cá nhân chuẩn bị hồ sơ xin từ chức gồm đơn xin từ chức và đầy đủ các giấy tờ cần thiết khác.
- Bước 2: Cá nhân gửi hồ sơ xin từ chức đến người có thẩm quyền (thông thường hồ sơ sẽ được gửi cho cơ quan đã bổ nhiệm chức vụ).
- Bước 3: Hồ sơ xin từ chức của cá nhân sẽ được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để được xét duyệt hoặc xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp.
- Bước 4: Người đứng đầu cơ quan hoặc người có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ và đưa ra quyết định cuối cùng.
Sau khi gửi hồ sơ xin từ chức, cá nhân có trách nhiệm phải hoàn thành nốt các công việc còn dang dở hoặc nếu chưa thể hoàn thành ngay thì phải sắp xếp công việc và tiến hành bàn giao lại công việc hoặc chuyển giao hoàn toàn công việc cho một cá nhân khác có đủ khả năng hoàn thành công việc.
Lưu ý rằng có sự khác biệt giữa việc công chức xin từ chức và người làm tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp ngoài Nhà nước xin từ chức. Đối với những người làm trong các đơn vị sự nghiệp hoặc các doanh nghiệp ngoài Nhà nước thì thủ tục xin từ chức sẽ đơn giản hơn nhiều. Khi đó, việc từ chức thường được hiểu đồng nghĩa với việc thôi đảm nhiệm một chức vụ nào đó hoặc thôi đảm nhiệm các vị trí chuyên môn theo như hợp đồng lao động ban đầu đã được ký kết.
Trên đây là hướng dẫn cách viết đơn xin từ chức dành cho đối tượng cán bộ công chức và những người làm trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Người làm đơn cần chú ý tới chức vụ của bản thân cũng như loại hình cơ quan mình đang công tác để xác định địa chỉ nhận đơn phù hợp. Một lần nữa cần nhắc lại, quyết định từ chức có ý nghĩa trọng đại đối với sự nghiệp của mỗi cá nhân, đơn xin từ chức cũng sẽ được lưu trữ trong hồ sơ sự nghiệp, bởi vậy hãy tỏ ra mình là người có trách nhiệm và có ý thái độ chính trị tốt khi đưa ra quyết định từ chức.
Tham gia bình luận ngay!