1. Cashier là gì?
Cashier dịch ra từ tiếng Anh có nghĩa nhân viên thu ngân. Trong tiếng Việt, đây được coi là thuật ngữ dùng để chỉ nhân viên thu ngân làm việc tại bộ phận lễ tân, các outlet F&B, các bộ phận giải trí, dịch vụ… trong khách sạn hay các nhà hàng độc lập.
Trên thị trường lao động hiện nay, Cashier trong nhà hàng, rạp chiếu phim, các cửa hàng tiện lợi… là vị trí công việc được nhiều bạn trẻ yêu thích và theo đuổi. Bởi vì, công việc này không những có giờ giấc linh hoạt, có thể làm việc Full-time hoặc Part-time (chia theo các ca làm việc) phù hợp với các bạn sinh viên muốn kiếm thêm thu nhập mà còn mang đến môi trường làm việc chuyên nghiệp, sang trọng và mở rộng cơ hội việc làm với mức thu nhập khá hấp dẫn. Tại các nhà hàng cao cấp, mức lương Full-time của một Cashier có thể dao động từ 7-10 triệu VNĐ/tháng, chưa bao gồm tiền tip từ khách hàng, thưởng doanh thu hay lễ, Tết từ nhà hàng.
Hơn nữa, Cashier là một thành phần nghề nghiệp không thể thiếu ở xã hội ngày nay, Cashier hay nhân viên thu ngân luôn gắn liền với ngành dịch vụ ở mọi nước trên thế giới. Chính vì sự đa dạng và cần thiết của công việc này, nên hiện Cashier rất cần tìm nhiều nguồn nhân lực và nó đã mở ra cơ hội việc làm cho nhiều bạn trẻ ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường.
2. Công việc của một Cashier là gì?
Công việc của Cashier đảm nhận nhiều nhiệm vụ như thu tiền từ khách hàng, kiểm tra tiền thừa, in hóa đơn, chuẩn bị chi phí chi tiêu hàng ngày và báo cáo doanh số cho cấp trên. Và để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ của từng công việc, vieclam88.vn sẽ chia làm 4 giai đoạn trong 1 ca làm việc của Cashier nhé!
2.1. Công việc của Cashier trước khi vào ca làm
- Trước khi vào làm Cashier chuẩn bị trang phục chỉnh tề, gọn gàng, đúng quy định, bởi Cashier đóng vai trò như bộ mặt của nơi làm việc, hãy để hình ảnh một Cashier chỉnh chu, chuyên nghiệp và luôn biết cách gây ấn tượng với khách hàng.
- Sau khi chuẩn bị trang phục xong, Cashier sẽ kiểm tra tất cả thiết bị, máy móc trong khu vực làm việc của mình, xem xét lại đồ đạc và sổ sách giao ban của ca làm việc trước.
- Kiểm tra số lượng tiền lẻ trong ngăn kéo đựng tiền, nếu thiếu tiền lẻ thì hãy chủ động đi đổi để tránh trường hợp không có tiền lẻ trả khách.
- Kiểm tra giấy in hóa đơn và hóa đơn giá trị gia tăng của ca trước bàn giao lại
2.2. Thực hiện thanh toán cho khách
- Cashier là người tiếp nhận order từ nhân viên phục vụ và nhập thông tin những dịch vụ khách sử dụng vào phần mềm quản lý.
- Kiểm tra hóa đơn sau khi đã nhập trên phần mềm tránh để xảy ra sai sót khi đã in rồi mới được in hóa đơn cho khách. Chủ động hỏi xem khách có Voucher giảm giá, Coupon hay thẻ VIP thì áp dụng và giảm giá cho khách hàng.
- Nhận tiền thanh toán trực tiếp từ khách hoặc nhân viên phục vụ. Kiểm tra lại thật cẩn thận và thông báo rõ số tiền đã nhận và kiểm tra số tiền dư rồi đưa lại số tiền dư đó cho khách.
- Sau khi đã nhận tiền từ khách hàng, cần phân loại theo mệnh giá tiền và cất vào ngăn kéo tiền cho chính xác. Lưu ý, khi đưa lại tiền thừa cho khách nên xếp tiền theo thứ tự mệnh giá từ nhỏ đến lớn và xòe thành hình quạt để khách dễ kiểm tra.
- Nếu khách hàng thanh toán bằng thẻ tín dụng, Cashier cần kiểm tra số thẻ và tiến hành cà thẻ để thanh toán cho khách, sau đó nhớ xin chữ ký thẻ. Còn nếu thanh toán bằng việc chuyển khoản hay quét mã QR thì cần kiểm tra số tiền khách chuyển và chụp lại màn hình khi đã thanh toán thành công.
- Giám sát và ghi chép số lượng hóa đơn đã xuất trong ca làm việc vào sổ theo dõi.
2.3. Các công việc cuối ca làm việc của Cashier
- Kiểm kê và đếm lại số tiền đã nhận vào cuối mỗi ca làm việc, sau khi xong thì tiến hành bàn giao tiền cho người ca sau hoặc người có trách nhiệm nhận theo đúng biểu mẫu được quy định tại nơi làm việc.
- Lập báo cáo doanh thu, theo dõi lịch và hoạt động hàng ngày của bộ phận được giao.
- In các giao dịch thẻ đã thanh toán ra, làm báo cáo ca, settlement.
- Ghi những vướng mắc, vấn đề chưa giải quyết hay những lỗi cần lưu ý vào sổ giao ban để nhân viên ca sau rút kinh nghiệm và cùng khắc phục.
- Sắp xếp chứng từ theo đúng quy trình đã quy định ở nơi làm việc, ghim lại toàn bộ số bill bán hàng và voucher khuyến mãi kèm theo của từng bàn một.
2.4. Các công việc khác của Cashier
- Chủ động lau chùi khu vực quầy thu ngân, luôn giữ cho khu vực làm việc của mình sạch sẽ
- Đổi tiền mặt cho khách khi có yêu cầu, nhưng vẫn phải đảm bảo đủ định mức tiền lẻ quy định.
- Hỗ trợ nhân viên phục vụ nếu cần, và phải đảm bảo đã thanh toán đầy đủ trước khi khách hàng rời đi.
- Phối hợp với nhân viên giải quyết các vấn đề phát sinh trong ca làm việc.
- Thực hiện các công việc khác nếu người quản lý yêu cầu.
3. Những kỹ năng và yêu cầu cần có để trở thành một Cashier
3.1. Kỹ năng tính toán
Là một Cashier, nhân viên thu ngân, kỹ năng về tính toán và các kiến thức cơ bản về toán học sẽ là một trong những trang bị cần thiết và không thể thiếu. Nếu bạn kỹ năng tính nhẩm nhanh sẽ làm bạn tháo vát hơn trong công việc này.
Việc kiểm soát và xử lý các hóa đơn, thanh toán cũng sẽ nhanh hơn và chính xác hơn. Nhờ vậy bạn có thể làm giảm thời gian chờ đợi của khách hàng và làm tăng mức độ hài lòng của khách.
3.2. Kỹ năng giao tiếp
Đây luôn là kỹ năng quan trọng cần có trong mọi lĩnh vực, đặc biệt trong các lĩnh vực dịch vụ như nhà hàng, khách sạn. Làm hài lòng khách hàng luôn là tiêu chí được đặt lên hàng đầu và là mục tiêu phấn đấu của mỗi bộ phận trong tổ chức.
Vì vậy, Cashier cũng cần được trang bị những kiến thức cơ bản về ứng xử, phải luôn giữ thái độ hòa nhã và lịch sự đối với khách hàng. Để dễ dàng được nhận việc ở vị trí Cashier, ứng viên cần biết kiểm soát cảm xúc của mình và luôn giao tiếp đúng mực với khách hàng để đảm bảo được hiệu quả cao trong công việc.
3.3. Kỹ năng chăm sóc khách hàng của Cashier
Kỹ năng chăm sóc khách hàng hoặc kinh nghiệm về các vị trí liên quan đến chăm sóc khách hàng sẽ là điểm cộng lớn trong mắt NTD cho các vị trí thuộc ngành dịch vụ nói chung và vị trí Cashier nói riêng. Đối với ngành dịch vụ, kỹ năng chăm sóc khách hàng sẽ là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội thăng tiến cho bạn.
Người ta thường ví nghề dịch vụ là nghề “làm dâu trăm họ” vì vậy bạn cần làm quen với việc tiếp xúc và làm hài lòng với nhiều thể loại khách hàng, dù sẽ có người này người kia, nhưng hãy nhớ 1 điều “khách hàng là thượng đế”. Khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra hãy thật bình tĩnh và luôn giữ một cái đầu lạnh để không bị những cảm xúc tiêu cực chi phối đến công việc nhé!
3.4. Kỹ năng tin học cơ bản
Để trở thành một Cashier, bạn cũng cần phải có trình độ tin học cơ bản. Bởi vì một nhân viên thu ngân ngoài kỹ năng toán học để tính toán, bạn cũng cần biết sử dụng thành thạo một số loại máy POS để thanh toán, order cho khách hàng, làm báo cáo nữa mà.
Chính vì vậy, nếu bạn có kỹ năng này sẽ là một trong những lợi thế giúp bạn được tuyển dụng và nhanh thăng tiến trong công việc.
3.5. Trung thực, thật thà
Tuy đây không phải là một kỹ năng, nhưng đây lại là một trong những yếu tố quan trọng giúp NTD có quyết định tuyển ứng viên hay không, bởi trong công việc, không một người sếp nào lại đi thuê một kẻ trộm về trông coi hòm tiền cho mình cả. Vì thế, Cashier phải là một người trung thực, thật thà trong chuyện tiền bạc, có đạo đức nghề nghiệp và tạo được lòng tin của cấp trên nhé.
Hi vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu được Cashier là gì, những công việc và kỹ năng cần có để trở thành một Cashier, giúp các bạn biết thêm về một trong những ngành nghề được các bạn trẻ ưa chuộng và cũng là để các bạn yêu thích công việc Cashier trang bị thêm những kiến thức và kỹ năng, sẵn sàng ứng tuyển vào vị trí này nhé!
Tham gia bình luận ngay!