Bài học về sự tiết kiệm và tối giản của người dân Nhật Bản

Icon Author Nguyễn Hà Anh

Ngày đăng: 2021-05-24 09:29:13

Nói đến lối sống tiết kiệm, chúng ta không thể không nhắc đến đất nước mặt trời mọc - Nhật Bản. Không phải điều kiện kinh tế quá khó khăn khiến họ phải tiết kiệm mà họ nhận thấy được những lợi ích to lớn của việc sống tiết kiệm. Cùng tìm hiểu về một số bài học về sự tiết kiệm!

1. Bài học về sự tiết kiệm của người dân Nhật Bản

1.1. Phương tiện giao thông

Ở các thành phố của Nhật Bản, người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng là chủ yếu. Từ người lao động chân tay tới dân công sở và học sinh sinh viên, tất cả mọi người đều sử dụng giao thông công cộng. Họ làm được điều này cũng là do các phương tiện giao thông này vô cùng phổ biến, thời gian di chuyển nhanh và đúng giờ. Chính vì thế mà học có thể tiết kiệm được một khoản tiền lớn chi trả cho việc mua xe cá nhân, thuế cho việc sử dụng xe, chi phí bảo dưỡng xe và xăng dầu. 

Sử dụng tàu điện thay vì phương tiện cá nhân
Sử dụng tàu điện thay vì phương tiện cá nhân

Ở một số vùng quê, các phương tiện giao thông công cộng ít, mật độ dân số thưa thớt thì họ cũng rất ít sử dụng xe máy. Họ lựa chọn xe đạp là phương tiện giao thông vừa tiết kiệm xăng dầu, vừa bảo vệ môi trường lại luyện tập sức khỏe. Nhật Bản cũng là nước có văn hóa đi bộ rất phổ biến. 

Nếu tính chi phí cho việc mua một chiếc xe máy ở khoảng 25 triệu đồng, xăng đi lại khoảng 200 nghìn một tháng, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa trung bình là 50 nghìn một tháng, đó còn chưa kể tới việc gửi xe, bảo hiểm xe. Khi sử dụng phương tiện công cộng thì chúng ta cũng tiết kiệm được kha khá. 

1.2. Tối giản đồ dùng trong nhà

Các đồ dùng trong nhà luôn được tối giản tới mức thấp nhất. Các gia đình Nhật Bản thường không sử dụng giường vì nó khá tốn diện tích. Khi ngủ họ sẽ trải thảm ngủ (đệm) và ngủ. Tới khi thức dậy họ sẽ gấp gọn trong tủ. Khoảng không gian khi ngủ sẽ trở thành nơi sinh hoạt trong gia đình. Các đồ dùng trong gia đình cũng như vậy, nếu có thể tận dụng các đồ dùng khác thì họ sẽ không mua thêm bất kỳ cái gì. 

Tối giản các đồ dùng trong gia đình
Tối giản các đồ dùng trong gia đình

Những đồ dùng nào không được sử dụng trong thời gian dài, họ sẽ vứt bỏ hoặc thanh lý ngay lập tức. Họ không “tiếc của” vì nếu để lại chắc chắn họ sẽ không dùng tới. Trong trường hợp họ có nhu cầu vô cùng cần thiết thì họ sẽ mua lại và sử dụng thường xuyên. Ở Nhật Bản có rất nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh đồ cũ, mọi người thường đến đây để trao đổi mua bán, tiết kiệm chi phí sắm các vật dùng mới và có thể lấy về một khoản tiền phục vụ cho sinh hoạt thay vì để nó một chỗ đến hỏng hóc, han gỉ, mất giá trị sử dụng. 

1.3. Tiết kiệm trong sử dụng điện

Thời tiết ở Nhật Bản cũng khá khắc nghiệt, mùa đông thì vô cùng lạnh còn mùa hè cũng rất nóng. Họ thường xuyên phải sử dụng các thiết bị làm nóng - lạnh. Các thiết bị này thường có công suất rất lớn, tiêu hao năng lượng điện nhiều. Họ thường chỉ sử dụng các thiết bị này với mức thấp nhất, sử dụng trong không gian hẹp để năng lượng không bị hao phí, tắt khi không thực sự cần thiết. 

Đây chắc cũng là điều mà các quốc gia trên thế giới luôn hướng đến, đặc biệt là Việt Nam nhằm tiết kiệm tài nguyên quốc gia và bảo vệ môi trường sống. 

1.4. Tiết kiệm trong ăn uống

Không những giảm thiểu thịt trong khẩu phần ăn mà mỗi món ăn của người Nhật Bản thường nấu rất ít. Họ làm và nấu vừa đủ cho các thành viên trong gia đình để tránh lãng phí. Với những người đi làm hoặc đi học, trưa không thể về nhà để ăn cơm, họ thường dậy sớm để nấu cơm và mang cơm từ nhà đi để tiết kiệm tiền cho bữa trưa thay vì mua ở bên ngoài. 

Tiết kiệm trong các bữa ăn hàng ngày
Tiết kiệm trong các bữa ăn hàng ngày

Nhật Bản không phải là một nước nông nghiệp (tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 1%), cơm không được sử dụng hết sau mỗi ngày sẽ được chất trữ vào tủ đông để sử dụng sử dụng lại để tiết kiệm lương thực. 

1.5. Sử dụng hàng hóa do chính nước mình sản xuất

Người Nhật Bản không có tâm lý sính ngoại, họ rất ưa chuộng các mặt hàng ở đất nước họ. Một phần vì các sản phẩm của họ vô cùng tiện lợi, được sáng tạo riêng cho họ, từ bao bì sản phẩm tới chất lượng. Một phần khác họ là một dân tộc đoàn kết, lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm. Chẳng vì thế mà sau nhiều lần động đất sụp đổ toàn bộ, mất hết tất cả mà trong một thời gian ngắn họ đã xây dựng lại tất cả trên mảnh đất đó như chưa hề có chuyện gì xảy ra. 

Ưa chuộng sử dụng hàng hóa nội địa
Ưa chuộng sử dụng hàng hóa nội địa

Các hàng hóa nội địa có giá cả hợp lý hơn so với hàng ngoại vì hàng ngoại nhập còn mất phí vận chuyển và thuế hải quan nên mức giá sẽ bị đội lên. Do đó, sử dụng hàng nội địa cũng chính là cách để tiết kiệm tiền.

1.6. Giáo dục tiết kiệm

Không những bản thân người dân thực hiện lối sống tiết kiệm mà họ luôn chỉ dạy cho con cái của họ điều này. Truyền thống “cha truyền con nối” không những có ở các nước Việt Nam - Trung Quốc mà ở Nhật Bản cũng rất nhiều. Họ không mua nhà cửa lớn vì số tiền thuế để sang nhượng tài sản rất lớn. Thay vào đó, họ để dành tiền tiết kiệm để dành cho con cái của mình. 

Giáo dục lối sống tiết kiệm cho thế hệ sau
Giáo dục lối sống tiết kiệm cho thế hệ sau

Các nhà sản xuất ở Nhật Bản lại càng đáng ngưỡng mộ hơn khi họ sáng tạo ra những đồ dùng tiết kiệm. Những chiếc bồn rửa mặt hay nhà vệ sinh được thiết kế xả một lượng nước ít nhất, nước rửa tay thì có thể sử dụng để xả nước khi đi vệ sinh,... Thật biết cách để tiết kiệm!

Và còn rất nhiều, rất nhiều điều các bài học về sự tiết kiệm của người Nhật nữa mà chúng ta có thể học hỏi. 

2. Áp dụng bài học về sự tiết kiệm như thế nào? 

Mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi quốc gia đều có văn hóa, lối sống riêng. Các bài học về sự tiết kiệm được nêu ở phần (1) không nhằm dạy dỗ hay chê bai bất kỳ ai đang không sống theo lối sống tiết kiệm. 

Chính bản thân tôi cũng không thể học hỏi hoàn toàn được những hoạt động tiết kiệm của họ. Tôi không giữ lại cơm thừa trong tủ đá vì tôi cảm thấy ăn lại sẽ không còn ngon, tôi dành phần cơm đó cho các con vật được nuôi trong nhà (lợn, gà, chó, mèo). Tôi không nằm ngủ trên mặt sàn vì thói quen từ xưa tới nay của tôi, gia đình tôi và người Việt Nam đều nằm trên giường, nó cũng giúp tôi đỡ bị lạnh và tránh được các con côn trùng nhỏ, động vật gặm nhấm (Việt Nam là nước nông nghiệp và nóng ẩm nên có rất nhiều côn trùng). 

Tiết kiệm nước để góp phần bảo vệ môi trường
Tiết kiệm nước để góp phần bảo vệ môi trường

Nhưng tôi có thể tối giản được quần áo của mình, tối giản đồ dùng nhà bếp và sẵn sàng bỏ những đồ dùng không cần thiết trong nhà để ngôi nhà gọn gàng hơn. Tôi dùng nước rửa rau, nước giặt quần áo để xả bồn vệ sinh, lau nhà. Ở một khu vực trung tâm thành phố có chi phí sử dụng đắt đỏ như Hà Nội, một tháng tôi chỉ dùng hết 150.000 đồng cả điện cả nước. 

Các bạn có thể áp dụng linh hoạt các bài học về sự tiết kiệm này vào trong cuộc sống của mình. Không làm như thế này nhưng các bạn có thể làm theo cách khác. Tiết kiệm không khiến cuộc sống của bạn thiếu thốn mà giúp cho các bạn thoải mái hơn. Chắc chắn đó! Tiết kiệm nhưng không đồng nghĩa với bần tiện.

Tham gia bình luận ngay!

captcha
Chưa có bình luận nào

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ Đỗ Xuân Mạnh: