​Khám phá cách dùng người của Tào Tháo, nghìn năm vẫn lưu truyền

Icon Author Triệu Thảo

Ngày đăng: 2021-06-09 16:07:18

Tào Tháo là một trong những nhà chính trị, nhà quân sự, nhà thơ xuất sắc bậc nhất nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Mặc dù ông không phải hình mẫu lý tưởng được nhà Nho ưa chuộng, dù mang tiếng đa nghi và gian trá, nhưng ông lại mưu trí hơn người và có cách dùng người nổi tiếng thời bấy giờ. Cách dùng người của Tào Tháo là gì mà được lưu truyền qua hàng nghìn năm như vậy? Cùng vieclam88.vn tìm hiểu nhé!

1. Tào Tháo - Nhân vật nổi tiếng trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”

Không thể phủ nhận khi Trung Quốc là một quốc gia có rất nhiều những vị tướng anh tài kiệt xuất. Đất nước tỷ dân này còn là quê hương của những cuốn tiểu thuyết lịch sử vô cùng nổi tiếng được dựa trên những câu chuyện có thật trong chiều dài lịch sử mấy ngàn năm của mình. Tam quốc diễn nghĩa chính là một tác phẩm như vậy. Một trong những lý do đem lại thành công xuất sắc của cái tên này không thể không nhắc đến Tào Tháo - Ngụy Vương thông minh nhạy bén nhưng lại phóng khoáng chơi bời. Những câu chuyện của ông trong thời kỳ Tam quốc đã được truyền miệng rộng rãi trong dân gian từ lâu. Tuy nhiên khi xuất hiện đầy đủ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, một lần nữa đã đánh dấu sự nổi tiếng của nhân vật này bước ra khỏi lãnh thổ Trung Hoa rộng lớn.

Nhân vật nổi tiếng trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”
Nhân vật nổi tiếng trong Tam Quốc Diễn Nghĩa

Nhà chính trị này đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong câu chuyện Tam Quốc về quá khứ niên thiếu, về  hành trình xây dựng giang sơn và cả khi ông đã là bậc đế vương hùng cứ. Dù vậy nhưng những câu chuyện về cách dùng người của Tào Tháo, những câu chuyện về cuộc đời của ông vẫn khiến cho thế hệ sau phải ngẫm nghĩ và khâm phục. Vậy cách thức đó là gì? Tại sao một vị ác tướng nổi tiếng lại có thể chiêu mộ nhân tài bốn phương để tạo nên một đế chế cho riêng mình? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và nghiền ngẫm nhé.

2. Cách dùng người của Tào Tháo

Tào Tháo rất biết cách nhìn người và dùng người. Bên cạnh ông là những nhân tài, hào kiệt và những người phò trợ thật sự giỏi đã giúp ông thống nhất miền Bắc Trung Hoa.

2.1. Trọng dụng người tài

Với tài năng của mình, Tào Tháo đã thống nhất miền Bắc, lập nên vương triều Tào Ngụy, trở thành Ngụy Vương  “hùng cứ một phương”. Tào Tháo rất thích người tài, khát khao tìm kiếm người tài giỏi. Ông cũng là vị tướng đương thời duy nhất thực hiện “Cầu hiền lệnh” để có thể chiêu mộ nhân tài về cho công cuộc xây dựng quyền lực của mình. So với tư tưởng “Tài đức vẹn toàn” khi tìm kiếm những người thuộc hạ của các vị tướng khác thì cách dùng người của Tào Tháo lại có lối đi riêng. Ông luôn quan niệm rằng “Duy tài thị cử”. Rằng một người không cần biết phẩm giá ra sao, chỉ cần có tài năng để sử dụng là được. Cũng chính vì vậy mà những người thực sự có tài và bản lĩnh trong nhân gian ắt sẽ đi theo Tào Tháo. Một số câu trong bản “cầu hiền tài” của Tào Tháo cũng đã thể hiện rõ quan điểm này của mình : “Các ngươi phải giúp ta tìm được những nhân tài bị mai một giống như vậy trong nhân gian, chỉ cần họ có tài thì phải tiến cử, ta có được họ là trọng dụng” hay “Người tài cũng có khiếm khuyết, chỉ cần “ở mức chấp nhận được” vẫn có thể dùng, nếu hiểu ra được đạo lý này thì sẽ làm nên đại nghiệp”

 Cách dùng người của Tào Tháo
Cách dùng người của Tào Tháo

2.2. Trọng dụng người tài nhưng vẫn có nguyên tắc

 Dù yêu thích những tài năng như vậy nhưng trong quá trình “dùng người” của mình, Tào Tháo luôn có những nguyên tắc bất di bất dịch.

2.2.1. Chữ “Tài” đặt dưới chữ “Trung”

Có thể Ngụy Vương của chúng ta rất cần những tài năng để có thể xây dựng giang sơn, tuy nhiên đừng quên rằng ông là một người cực kì đa nghi và hống hách. Ông đã từng nói “ Thà ta phụ người trong thiên hạ, chứ đừng để người trong thiên hạ phụ ta”. Trong quá trình dùng người của mình, Tào Tháo luôn cảnh giác và coi trọng sự trung thành của thuộc hạ đối với chủ nhân và quốc gia. Ông cho rằng những kẻ tay sai của bất cứ chủ nhân nào cũng tuyệt đối không được hai lòng, không được mang những mưu đồ bất chính và phản quốc.

 Câu chuyện về coi trọng lòng trung thành, tín nghĩa được thể hiện khi Tào Tháo giết chết Lã Bố. Lã Bố là một nhân tài cực hiếm gặp, không ai có thể so sánh được với ông, tuy là chiến thần bất khả chiến bại nhưng ông lại ăn ở hai lòng, phản bội lại người cha nuôi của mình là Đinh Nguyên để đi theo Đổng Trác. Kết cục lìa đầu chính là hình phạt mà Tào Tháo tặng cho kẻ bất trung bất nghĩa này

Trọng dụng người tài nhưng vẫn có nguyên tắc
Trọng dụng người tài nhưng vẫn có nguyên tắc

2.2.2. Tài nhưng không kiêu ngạo và tự cao

Tào Tháo tuy rất “khát” người tài, nhưng nếu như kiêu ngạo, tự cao và kém biết điều thì ông sẽ không trọng dụng. Ví dụ như phục dưới trướng Tào Tháo là Dương Tu, ông nổi tiếng là người thông minh, nhưng vì kiêu ngạo tài văn chương của mình mà nói ra “tim đen” của Tào Tháo cho mọi người biết, nên đã chuốc họa vào thân. Qua đó, có thể thấy Tào Tháo cần tìm người tài nhưng phải là người biết sử dụng tài năng đúng lúc đúng chỗ. Dương Tu đã khiến Tào Tháo luôn phải dè chừng vì quá thông minh. Dương Tu cùng Dương Úc tuy phục vụ cho Tào Tháo nhưng luôn phản đối gay gắt khi Tào Tháo định phế Hán, để chiếm ngôi vị. Đây cũng là lý do mà Tào Tháo thấy thất vọng vì người tài không phục mình.

2.2.3. Chỉ cần là người tài, xuất thân không câu nệ

Phàm trong thiên hạ ông cho rằng: “Bây giờ trong thiên hạ sao lại không tồn tại những người như vậy đang hoà lẫn trong bách tính chứ? Hoặc những người quyết đoán, dũng cảm, liều mạng chiến đấu với địch, những người có tính cách và thói quen thô tục, nhưng tài năng cực cao, khí chất khác người có thể làm tướng đảm nhiệm vị trí phòng thủ. Những người từng mang ô nhục, từng bị cười chê, từng bất nhân bất hiếu, nhưng có bản lĩnh dụng binh đánh trận hay chính trị, mọi người đều phải tiến cử khi đã hiểu rõ về nhân tài, không thể bỏ lỡ”. Những lời này của Tào Tháo đã khẳng định khi dùng người tài thì ông sẽ không câu nệ xuất thân, không ngại phẩm hạnh không tốt. 

2.2.4. Có được nhân tài bằng mọi cách

Cách dùng người nữa của Tào Tháo đó là không để người giỏi lọt vào tay người khác, bằng mọi cách mà kéo về phía mình. Ông có thể dùng mọi thủ đoạn chỉ để lôi kéo nhân tài. Tào Tháo khi đã nhìn trúng ai thì ông luôn cho rằng người đó phải là của mình. Cũng chính vì tính cách này mà trong cuộc đời ông đã có những lần thất bại vì không thể giành được những người mà ông khao khát như Quan Công. Hoặc vì quá coi trọng người tài mà đôi khi bỏ qua những “gian thần” nhẫn nại như Tư Mã Ý để rồi mất cả giang sơn.

 Có được nhân tài bằng mọi cách
Có được nhân tài bằng mọi cách

3. Tận dụng người tài đúng lúc đúng chỗ và khéo léo giải quyết mâu thuẫn

3.1. Tận dụng người tài đúng lúc đúng chỗ

Có thể thiếu sót vì quá trọng dụng người tài như không thể phủ nhận Tào Tháo là một người biết tận dụng nhân tài vô cùng đỉnh cao. Trong những trận chiến, ông luôn coi trọng ý kiến của thuộc hạ, không bao giờ bỏ phí bất cứ một người tài nào như cách tướng Viên Thiệu làm. Tào Tháo biết lợi dụng tham vọng của những người tài mà cho họ cơ hội để thực hiện, phát huy sở trường của mình. Chẳng trách mà những người tài trong thiên hạ đều muốn tìm đến ông. Và cũng chính nhờ sự thấu hiểu tài tình này trong cách dùng người của mình  đã giúp Tào Tháo có được cả thiên hạ.

Không chỉ biết vận dụng tài năng mà ông còn biết cách dùng người đúng lúc đúng chỗ. Điều này có được nhờ khả năng tổ chức hơn người của ông.  Tào Tháo có khả năng phân bố, bố trí nhiệm vụ phù hợp và xứng đáng cho từng thuộc hạ của mình. Kể cả những người không ưa gì Ngụy vương cũng phải công nhận cách dùng người đúng chỗ của “hắn”.

Luôn đúng chỗ và khéo léo giải quyết mâu thuẫn
Tận dụng người tài đúng lúc đúng chỗ và khéo léo giải quyết mâu thuẫn

3.2. Khéo léo trong giải quyết mâu thuẫn

Xác định tình yêu với tài năng nhân loại thì Tào Tháo cũng hiểu rằng mình phải làm chủ của những thuộc hạ có lý tưởng hơn người. Đã có những lần ông giải quyết mâu thuẫn, ngăn cản tranh chấp giữa những người tài của mình một cách khéo léo như câu chuyện giữa Quách Gia và Trần Quân. Ông không để những ấm ức, những bất bình giữa thuộc hạ của mình với nhau mà trở thành mầm mống cho những cuộc chia bè kết phái, chia rẽ nội bộ xảy ra mà sau cùng thì người chịu thiệt hơn cả vẫn là ông.

4. Thu hút nhờ chính tính cách “khoan nhượng” của mình

“Đa nghi như Tào Tháo” là câu nói thể hiện cách mà Tào Tháo đối đầu với kẻ thù của mình.Song với thuộc hạ thì đôi khi ông lại có phần khoan nhượng và bị cái tài làm mờ mắt. Ông đã từng bỏ qua cho Trần Lâm dù bị lôi 18 đời cha ông lên chửi. Ông cũng từng có lần bỏ qua nguyên tắc “bất trung” của mình để tha mạng cho Ngụy Chủng chỉ vì tặc lưỡi nghĩ rằng “Dù gì cũng là kẻ có tài”. Dưới xã hội đương thời loạn lạc, những người tài trong nhân gian rất cần một người cầm đầu tài trí mưu lược  nhưng vẫn giữ được sự khoan nhượng đối với mình giống như Tào Tháo.

Cái hay của Tào Tháo là đã dùng người thì phải có lòng tin, không tin thì sẽ không dùng. Ai cũng nói Tào Tháo đa nghi, nhưng trong cách dùng người thì ông lại tin tưởng tuyệt đối. Nhờ đó, Tào Tháo đã thu hút được nhiều người tài dưới trướng như Từ Hoàng, Vu Cấm, Trình Dục, Quách Gia,…Tào Tháo khéo léo trong việc dùng người, dung hòa và chế ngự được những mầm loạn nguy hiểm, đạt đến cảnh giới để những người khác noi theo.

Tào Tháo biết giải quyết mâu thuẫn giữa các thuộc hạ
Tào Tháo biết giải quyết mâu thuẫn giữa các thuộc hạ


Nói tóm lại, nhờ cách dùng người xuất chúng mà Tào Tháo đã trở thành một nhân tài kiệt xuất, nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Tùy còn nhiều điểm gây ra tranh cãi nhưng khi nhìn vào kết quả thì không ai có thể phủ nhận tài năng này. Đó cũng là lý do mà dù trải qua bao nhiêu thời gian thì danh Tào Tháo vẫn bất hư truyền như vậy.

Tham gia bình luận ngay!

captcha
Chưa có bình luận nào

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ Đỗ Xuân Mạnh: