Xác định mục tiêu đúng và các bước thực hiện mục tiêu nghề nghiệp

Icon Author Lê Tuệ Nhi

Ngày đăng: 2021-07-07 16:57:23

Việc viết ra mục tiêu tương đối dễ dàng tuy nhiên mục tiêu có thực hiện được hay không mới là vấn đề nan giải mà không phải ai cũng có thể làm được. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ cho các bạn về các bước thực hiện mục tiêu nghề nghiệp chi tiết nhất, hỗ trợ bạn định hướng và thực hiện mơ ước khát vọng của mình.

1. Nền tảng để thực hiện mục tiêu nghề nghiệp

Trước khi thực hiện được mục tiêu nghề nghiệp mà mình đặt ra thì bạn cần phải xác định được mục tiêu đúng. Việc xác định mục tiêu đúng sẽ làm nền tảng cơ bản, đóng góp đến 70% khả năng thực hiện mục tiêu nghề nghiệp của bạn. Vậy thì câu hỏi đặt ra là như thế nào là mục tiêu đúng?

Nền tảng thực hiện mục tiêu nghề nghiệp
Nền tảng thực hiện mục tiêu nghề nghiệp

Để có thể xác định được mục tiêu đúng thì bạn cần phải xem xét, đánh giá các yếu tố sau đây:

- Mục tiêu cụ thể: Đặt mục tiêu cụ thể không phải là “Tôi muốn hướng tới giàu có, thành công ở nghề nghiệp của tôi trong tương lai”. Mục tiêu mà bạn hướng tới phải cụ thể, rõ ràng, bạn muốn hướng tới vị trí nào trong công việc, vị trí đó ở giai đoạn nào trong lộ trình thăng tiến của mình. 

Ngoài ra bạn còn nên đặt mục tiêu hướng đến các kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn. Cụ thể các kỹ năng cần phải nâng cao đó là gì.

Đặc biệt, bạn nên xác định cụ thể mục tiêu trong ngắn hạn và mục tiêu trong dài hạn đối với công việc mà bạn đang theo đuổi. Mục tiêu ngắn hạn thì sẽ thường kéo dài độ từ 3 - 6 tháng còn mục tiêu dài hạn là từ 1 năm trở lên.

Bạn nên lưu ý là mục tiêu ngắn hạn bạn muốn thực hiện và hướng tới sẽ liên quan chặt chẽ, mật thiết đến mục tiêu trong dài hạn, có nghĩa là mục tiêu trong ngắn hạn sẽ làm nền tảng cơ sở đầu tiên cho mục tiêu lâu dài tương lai.

Mục tiêu đo lường được
Mục tiêu đo lường được

- Mục tiêu có tính đo lường được: Bạn không thể ước chừng khoảng mục tiêu mà mình mong muốn, như tôi muốn có kỹ năng tin học, chẳng ai biết, kể cả bạn cũng không biết được trình độ tin học của bạn liệu có được cải thiện sau đấy hay không.

Bạn có thể đặt mục tiêu là tôi phải đạt được bằng Tin học loại giỏi trong vòng 3 tháng học tập và ôn thi. Việc hạn định thời gian cũng giúp bạn có động lực hoàn thành mục tiêu trong tương lai.

- Mục tiêu phải là cho cá nhân mình: Mục tiêu xây dựng nên là mục tiêu của chính bản thân bạn, dựa vào kết quả làm việc và năng lực hiện tại của bản thân mà đưa ra định hướng cho tương lai.

Mục tiêu đó không thể dựa trên những người bên cạnh như bố mẹ tôi mong muốn như vậy, thực hiện theo yêu cầu mục tiêu của người thân. Việc đặt mục tiêu như thế là sai lầm và bạn sẽ chẳng kiên trì được bao lâu, hoặc bạn có thể kiên trì lâu hơn nhưng liệu rằng bạn có thực sự cảm thấy thỏa mãn khi đạt tới mục tiêu ban đầu đề ra?

- Mục tiêu phải thực tế: Thực tế ở đây đầu tiên là xét theo năng lực của bạn, trình độ cá nhân của bạn đối với nghề nghiệp ra sao? Đang ở mức độ nào?

Dựa trên điều đó thì bạn mới đưa ra mục tiêu phù hợp, hướng tới rèn luyện kỹ năng, tìm một môi trường làm việc tốt hay hướng đến một vị trí cao hơn trong lĩnh vực nghề nghiệp đang làm. 

Bạn không thể đặt mục tiêu là “Trong vòng 2 năm tới tôi muốn hướng đến vị trí Quản lý nhân sự cấp cao của công ty” trong khi bây giờ bạn mới chỉ ở vị trí Thực tập sinh nhân sự. 

Mục tiêu thực tế khả thi
Mục tiêu thực tế khả thi

Bên cạnh đó, mục tiêu thực tế còn là xét theo điều kiện cụ thể của bạn. Chẳng hạn là về vị trí địa lý, tình trạng sức khỏe,...

Sau khi viết xong mục tiêu của mình thì hãy đánh giá lần lượt các mục tiêu đấy dựa theo những tiêu chí vừa được đưa ra ở bên trên, nếu mục tiêu của bạn thỏa mãn những tiêu chí này thì bạn có thể bắt tay vào thực hiện mục tiêu nghề nghiệp của mình.

2. Các bước thực hiện mục tiêu nghề nghiệp

Khi đã lên kế hoạch xác định đúng mục tiêu nghề nghiệp của bạn thì bây giờ chính là lúc vén tay áo lên và thực hiện lần lượt các mục tiêu được đề ra. 

2.1. Viết mục tiêu xuống giấy

Theo một số kết quả nghiên cứu, mặc dù việc viết kế hoạch ra giấy trông có vẻ nhàm chán, truyền thống và cũ rích nhưng những người viết mục tiêu của mình ra giấy sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn những người không làm điều đó.

Viết ra mục tiêu trên giấy sẽ giúp bạn hình dung cụ thể các mục tiêu cần đạt được, tránh lan man và trùng lặp mục tiêu, đồng thời bạn cũng nên để mục tiêu của mình ở những nơi bạn thường xuyên tiếp xúc và lui tới như bàn học, bàn làm việc, tủ lạnh, cửa phòng tắm,...

Việc làm này sẽ giúp bạn luôn ghi nhớ và não luôn có phản ảnh về việc cá nhân cần phải thực hiện, từ đó thúc đẩy bạn làm việc hiệu quả và tốt hơn.

2.2. Lên kế hoạch chi tiết từng mục tiêu

Sau khi đã viết ra các mục tiêu nghề nghiệp cần đạt được thì bước tiếp theo bạn hãy cụ thể hóa mục tiêu đấy thành kế hoạch hành động. Bạn có thể lập bảng chi tiết kế hoạch ra giấy hoặc dùng các công cụ tin học văn phòng như excel, word, một số phần mềm lập kế hoạch khác để đưa ra bảng biểu chi tiết cho mục tiêu của mình.

Lên kế hoạch chi tiết cho mục tiêu
Lên kế hoạch chi tiết cho mục tiêu

Lấy ví dụ bạn làm việc trong ngành Marketing, bạn muốn hướng đến thành thạo kỹ năng tin học. Trong vòng 2 tháng, bạn muốn dành được chứng chỉ tin học từ MOS, vậy thì bạn nên lập bảng biểu thời gian học ở trung tâm, thời gian ôn luyện ở nhà, thời gian ôn đề thật chi tiết và hợp lý để đảm bảo tiến độ học tập.

2.3. Chia sẻ kế hoạch với người bên cạnh

Nhiều người thường giữ kín kế hoạch của mình và e ngại tiết lộ cho người đối diện, người thân bên cạnh biết. Lời khuyên đưa ra là bạn nên tích cực bày tỏ kế hoạch và mục tiêu hướng đến trong tương lai với người bên cạnh vì họ sẽ đem lại những lợi ích bất ngờ mà bạn không nghĩ tới:

- Họ sẽ có cái nhìn khách quan về bản kế hoạch của bạn, đưa ra nhận xét nên thực hiện cái nào trước, thực hiện cái nào sau và cái nào không có khả năng thực hiện được.

- Họ sẽ nhắc nhở bạn thực hiện mục tiêu hàng ngày mỗi khi bạn bị xao nhãng, trì trệ và nản lòng.

- Họ cũng sẽ đưa ra các giải pháp thực tế và giúp bạn thực hiện mục tiêu trong khả năng của mình.

- Họ cũng sẽ là người chia sẻ và giải tỏa áp lực khi bạn không đạt được mục tiêu hoặc khi bạn stress trong định hướng nghề nghiệp.

2.4. Thực hiện mục tiêu nghề nghiệp

Hoàn thành được các bước như trên thì bạn sẽ bắt đầu thực hiện mục tiêu nghề nghiệp của mình. Hãy luôn kiên trì và giữ vững ý chí, muốn thành công thì phải hy sinh chi phí cơ hội của bản thân.

Thực hiện mục tiêu
Thực hiện mục tiêu

Tuy nhiên cũng không nên quá áp lực cho bản thân để gây ra tình trạng stress, chán nản và từ bỏ.

2.5. Đánh giá mức độ thực hiện và có điều chỉnh kịp thời

Khi thực hiện mục tiêu nghề nghiệp được một khoảng thời gian nhất định, có thể là 1/3 hoặc 1/2  quãng đường thì bạn nên dừng lại một chút, dành thời gian xem xét và đánh giá hiệu quả tiến độ mục tiêu đề ra.

Nếu như bạn vẫn đang hoàn thành mục tiêu đúng theo kế hoạch, cảm thấy khá ổn với mọi thứ thì tiếp tục thực hiện. Trong trường hợp bạn cảm thấy mệt mỏi, làm việc không đạt hiệu quả cao thì nên dừng lại, tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp, lúc này người thân bên cạnh sẽ có vai trò hỗ trợ bạn rất nhiều.

2.6. Đánh giá mức độ hoàn thành

Sau khi hoàn tất và đạt được mục tiêu bạn nên nhìn lại những gì mà bản thân đã nỗ lực thực hiện, đánh giá thực tế xem liệu mình đã thực sự cố gắng hay chưa? Liệu rằng nếu mình cố gắng hơn chút nữa thì thành tích, kết quả, mục tiêu nghề nghiệp đặt ra có cao hơn hay không?

Từ đó rút kinh nghiệm cho bản thân và tiếp tục thực hiện các mục tiêu tiếp theo trong bảng mục tiêu của mình.

Đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu nghề nghiệp
Đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu nghề nghiệp

Với việc xác định mục tiêu đúng và gợi ý chi tiết các bước thực hiện mục tiêu nghề nghiệp thì hy vọng các bạn độc giả đang theo dõi bài viết này có thêm sức mạnh và bí quyết để hoàn thành mục tiêu nghề nghiệp của mình.

Tham gia bình luận ngay!

captcha
Chưa có bình luận nào

Thông Báo

Thoát

Bạn có tin nhắn mới từ Đỗ Xuân Mạnh: